Thắp Sáng Hy Vọng

C1.03. Kết Nối Đức Tin - Joyce Meyer

Chương 1.03. Kết Nối Đức Tin

Người Dạy: Joyce Meyer | Dịch giả: Ngô Minh Hòa | Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin | www.quangharvest.com

Đánh giá tấm lòng chúng ta là một bài tập quan trọng khi chúng ta cùng bắt đầu hành trình hy vọng này, bởi vì hy vọng nơi Chúa và lòng mong đợi tích cực liên hệ rất chặt chẽ với đức tin. Hãy chỉ cho tôi một người có những mong đợi kém cỏi thì tôi sẽ chỉ cho bạn một người ít dùng đến đức tin. Nhưng hãy chỉ cho tôi một người có những mong đợi lớn lao và tôi sẽ chỉ cho bạn một người hành động với đức tin dạn dĩ. Hãy nhớ rằng chúng ta đang nói về việc có lòng mong đợi nơi Chúa. Đây không chỉ là một thái độ tích cực mà nó là việc tin cậy Chúa chăm sóc bạn và mọi sự liên quan đến bạn.

JoyceMeyerThapSang1280x720

Lời Chúa nói rằng đức tin - lòng mong đợi tích cực, đầy hy vọng - làm đẹp lòng Chúa (xem Hê-bơ-rơ 11:6), và nhiều lần trong các sách Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Giê-su đã động lòng hành động vì cớ đức tin - lòng mong đợi - của những người mà Ngài gặp (xem Ma-thi-ơ 9:29, Mác 5:34, Luca 7:50 và Luca 17:19). Một phép lạ như thế được tìm thấy trong Mác chương 10. Tôi thích câu chuyện này, và tôi nghĩ nó có tầm quan trọng lớn lao cho bạn và tôi ngày nay vì nó nói về tầm quan trọng của lòng mong đợi.

Mác 10:46–47 nói:

... Sau đó họ đến thành Giê-ri-cô. Khi Chúa Giê-su cùng các môn đệ sắp rời nơi ấy cùng với đoàn dân thì có một người ăn xin mù tên là Ba-ti-mê, con của Ti-mê, đang ngồi bên đường. Khi nghe Chúa Giê-su người Na-xa-rét đi ngang qua anh liền kêu lớn “Giê-su, con của Đa-vít ơi, xin thương xót tôi!

Nếu bạn suy nghĩ về câu chuyện này, Ba-ti-mê có mọi lý do để trông đợi điều tệ nhất. Ông là một kẻ ăn xin mù, mỗi ngày ngồi bên đường, cố gắng sống sót nhờ mấy đồng lẻ bố thí. Ông đang sống một cuộc đời rất khó khăn, và nếu ai đó không còn mong đợi gì thì bạn nghĩ ngay đến ông Ba-ti-mê. Ông ta có lẽ đã nghĩ Điều này thật vô dụng. Nó sẽ không mang lại kết quả gì. Không có gì thay đổi đâu. Có lẽ Chúa Giê-su sẽ không để ý gì tới mình. Sao lại phải thắp sáng hy vọng làm gì? Không có ai trách cứ ông này cả.

Nhưng Ba-ti-mê dám hy vọng điều lớn lao hơn trong cuộc sống. Ông bắt đầu suy nghĩ về những gì có thể xảy ra thay vì những điều không thể xảy ra. Mức độ mong đợi của ông không có giảm sút khi ông bắt đầu la lên hết sức, “Giê-su, con của Đa-vít, xin hãy thương xót tôi!”

Bạn có nghe được sự cương quyết trong giọng nói của ông không? Như thể Ba-ti-mê quyết định rằng ông sẽ không đời nào bỏ lỡ cơ hội này. Dù nhiều người trong đám đông “mắng ông, quở ông, bảo ông hãy im đi” (xem Mác 10:48), Ba-ti-mê không im lặng. Ông lại la lớn hơn nữa cho đến khi Chúa Giê-su dừng lại và gọi ông đến.

Đây là một trong những phần tuyệt vời nhất của câu chuyện này: Khi người ta đem Ba-ti-mê đến với Giê-su, Chúa đã hỏi ông một câu hỏi gần như không ai có thể nghĩ tới. Trong câu 51, Chúa Giê-su nói với người ăn xin mù này, “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi đây?”

Nghe như một câu hỏi lạ, phải không? Có lẽ các môn đồ đã suy nghĩ “Ngươi muốn Ta làm chi cho ngươi?” Chúa ơi, sờ sờ như thế này mà? Người đàn ông này bị mù. Sao Ngài có thể hỏi ông ta như vậy? Nhưng Chúa Giê-su hỏi một câu hỏi có ẩn ý - Ngài đang hỏi Ba-ti-mê: Ngươi mong đợi điều gì? Ngươi chỉ mong có một bữa ăn? Người muốn có ai đó dắt ngươi đi lòng vòng? Ngươi chỉ mong có của bố thí thôi sao? Tất cả điều này chắc chắn là điều Ba-ti-mê cần, và nếu ông ta sống với đức tin nhỏ bé như thế, có lẽ ông ta sẽ thỏa mãn với một trong những điều này.

Nhưng Ba-ti-mê có mức độ mong đợi cao hơn. Khi Chúa Giê-su hỏi, “Ngươi muốn Ta làm chi cho ngươi?” Ba-ti-mê không lưỡng lự, ông ta không cần phải suy nghĩ về câu hỏi đó, ông ta không thắc mắc liệu mình có đang xin quá nhiều không. Ba-ti-mê nói cách dạn dĩ, “Thưa Thầy, con muốn được sáng mắt lại.” Chắc bạn biết phần còn lại của câu chuyện. Chúa Giê-su động lòng bởi đức tin của Ba-ti-mê. Câu 52 nói: “Chúa Giê-su bảo: ‘Hãy đi, đức tin ngươi đã chữa lành ngươi.’ Lập tức người mù được sáng mắt và đi theo Chúa Giê-su.”

Bởi vì Ba-ti-mê đủ can đảm để tin cậy Chúa về điều tốt nhất, cho nên đó chính xác là điều ông nhận được từ Chúa. Trong đời sống bạn cũng vậy, đây là lý do mức độ mong đợi của bạn rất quan trọng đối với cuộc đời mà bạn sẽ sống. Nếu bạn không mong đợi Chúa làm điều lớn lao trong cuộc đời bạn, thì Ngài sẽ không làm. Nhưng nếu bạn dám nâng mức mong đợi và bắt đầu mong rằng Chúa muốn làm điều lớn lao trong cuộc đời bạn, thì bạn sẽ bắt đầu mơ ước, tin cậy, cầu xin và hành động với sự tin quyết, dạn dĩ, vì biết rằng Chúa ở về phía bạn và có một kế hoạch lớn lao cho cuộc đời bạn.

Đức Chúa Trời ở về phía bạn và có một kế hoạch lớn lao cho cuộc đời bạn.

Giả dụ bạn thắc mắc liệu việc bạn mong đợi những điều tốt lành từ Chúa có chấp nhận được không, thì hãy đọc và suy gẫm kỹ câu Kinh Thánh này trong Ê-sai.

Chúa muốn tỏ lòng từ bi Ngài cho ngươi, Ngài muốn đứng dậy an ủi ngươi. Chúa là Thượng Đế công bằng, ai trông đợi Ngài giúp đỡ sẽ hớn hở.

Ê-sai 30:18

Chúa tìm kiếm người nào để Ngài có thể thể hiện sự tốt lành của Ngài, và nếu bạn đang trông mong (mong đợi) Chúa thể hiện sự tốt lành với mình, thì bạn đủ tiêu chuẩn. Hãy mong đợi Chúa ban cho bạn chính Ngài bởi vì Ngài quan trọng hơn mọi thứ khác, nhưng hãy nhớ rằng Ngài có mọi thứ mà chúng ta cần.

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 131 Quốc Gia

We have 4286 guests and no members online

Your Language