Thắp Sáng Hy Vọng

C15.02 Đeo Kính Của Chúa Vào - Joyce Meyer

C.15.02 Đeo Kính Của Chúa Vào - Joyce Meyer

Người Dạy: Joyce Meyer | Dịch giả: Ngô Minh Hòa | Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin | www.quangharvest.com

Chúng ta hãy đeo cái mà tôi gọi là “kính của Chúa,” và nhìn vấn đề theo cái nhìn của Chúa. Ngài nhìn sự việc rất khác chúng ta nhìn vì Ngài nhìn thấy sự cuối cùng ngay từ lúc khởi đầu. Chúa nhìn bạn như thế nào? Ngài yêu bạn hơn là bạn có thể hiểu, và Ngài có một kế hoạch tốt lành cho cuộc đời bạn. Bạn không bao giờ cô đơn vì Ngài luôn ở với bạn. Ơn tha thứ của Chúa lớn hơn bất kỳ tội lỗi nào bạn đã phạm. Lòng thương xót của Ngài là mới mỗi ngày. Là tín hữu, Chúa ban cho bạn quyền năng, và bạn không cần sống cuộc đời thất bại. Bạn đã được tạo dựng thành một người mới trong Chúa, được ban cho một đời sống mới, và bạn có thể bỏ lại phía sau quá khứ của bạn và nhìn về tương lai. Khi bạn biết bạn là ai trong Chúa và cách Chúa nhìn bạn qua sự hy sinh của Con Ngài, điều đó sẽ thay đổi cách bạn sống.

JoyceMeyerThapSang1280x720

Chúa nhìn vào sự sáng tạo và nói rằng điều đó thật tốt lành (xem Sáng Thế 1:31). Bạn là một phần của sự sáng tạo, nên bạn tốt lành. Nhưng có lẽ bạn thấy khó tin điều đó. Tôi không nói về xác thịt của bạn. Sứ đồ Phao-lô nói, “Tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn” (Rô-ma 7:18). Xác thịt chúng ta có bị khiếm khuyết, và chúng ta ai cũng phạm lỗi lầm. Khi Chúa nói, “Con tốt lành,” Ngài đang nói về tâm linh đã được tạo dựng mới của bạn.

Vì chúng ta là tác phẩm của Đức Chúa Trời, được tạo nên trong Chúa Cứu Thế Giê-su để làm những việc thiện lành, là việc Đức Chúa Trời đã chuẩn bị trước cho chúng ta để theo đó mà tiến hành. Ê-phê-sô 2:10

Hiểu được những thực tại của sự sáng tạo mới và bắt đầu đồng hóa với nó là điều quan trọng. Nhiều người hành xử xấu tệ vì họ nghĩ mình tệ xấu - họ tin họ xấu tệ. Thường người ta bị rơi vào lối sống tội lỗi vì họ không tin họ đã tự do khỏi tội lỗi nhờ Chúa Giê-su. Họ nhìn quá khứ của họ và họ không hiểu quyền năng của sự tái sinh - rằng nếu ai ở trong Chúa Giê-su, họ là một tạo vật mới, mọi sự cũ đã qua đi và mọi sự trở nên mới (xem 2Cô-rinh-tô 5:17).

Hiểu và thật sự tin những thực tại trên là khó rồi, bây giờ Thượng Đế còn nhìn chúng ta là công chính qua Chúa Giê-su nữa.

Chúa đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta,hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Chúa. 2Cô-rinh-tô 5:21

Là người lúc nào cũng thấy “sai trật” phần lớn trong đời, nên việc học biết về giáo lý công chính nhờ Chúa Giê-su là một sự tự do lạ lùng và tuyệt vời đối với tôi. Tôi thích giúp người khác hiểu điều này để họ có thể chấm dứt khước từ bản thân vì dường như họ thấy lúc nào cũng sai lầm. Địa vị ngay thẳng của chúng ta với Chúa không dựa trên những gì chúng ta làm mà trên những gì Chúa Giê-su đã làm.

Khi chúng ta càng học về tình yêu, sự chấp nhận và ân sủng của Chúa, chúng ta để ý thấy hy vọng trở thành bạn đồng hành liên tục của chúng ta. Thành thật mà nói tôi không thể nhớ mới đây nhất khi nào là tôi cảm thấy không có hy vọng. Chúng ta có thể học tin cậy Chúa và luôn luôn tin chắc rằng khi chúng ta tăng trưởng và thay đổi, Chúa sẽ nhìn thấy lòng yêu mến và kết ước của chúng ta với Ngài và Ngài vẫn nhìn chúng ta là những người ở trong mối quan hệ ngay thẳng với Ngài.

Bạn là ai và bạn làm gì có một sự khác biệt lớn. Đó là lý do tôi khích lệ nhiều người hãy tách việc “họ là ai” và việc “họ làm gì.” Bạn là con cái Chúa. Bạn được tái sinh. Bạn được đầy dẫy Thánh Linh. Thay vì nhìn xác thịt, hãy có cái nhìn của Chúa và nhìn tâm linh bạn. Hãy nhìn bản thân trong cái gương Lời Chúa, và sau đó phấn khởi về việc bạn là ai trong Chúa Giê-su.

Tôi cũng khích lệ bạn hãy có cái nhìn của Chúa về những thử thách của bạn. Hãy nhìn nó như Chúa nhìn.

Ngài xem thử thách là tạm thời. Không có nan đề nào tồn tại mãi mãi, nên hãy thắp sáng hy vọng của bạn vì bước đột phá gần hơn là bạn nghĩ. Khi bạn nhìn qua lăng kính của Chúa, bạn sẽ phải nói, “Thử thách này sẽ không kéo dài mãi và tôi sẽ sống lâu hơn nó!”

"Khi bạn rơi vào khó khăn và mọi thứ đều nghịch lại bạn cho đến khi bạn dường như không thể bám víu thêm giây phút nào nữa thì lúc đó đừng có bỏ cuộc, vì nó giống như đổi địa điểm và thời gian mà thôi." Harriet Beecher Stowe

Chúa muốn bạn đi suốt chặng đường với Ngài. Tiếp tục hay bỏ cuộc là chọn lựa của chúng ta. Chúa ban cho chúng ta lời hứa của Ngài, nhưng việc đứng vững vàng và chờ đến khi giông bão qua đi là tùy chúng ta. Dĩ nhiên, Chúa giúp đỡ chúng ta. Ngài ban cho chúng ta ân sủng, sức mạnh, và sự khích lệ của Ngài, nhưng xét cho cùng, chúng ta phải quyết định tấn tới hay bỏ cuộc. Một trong những lợi ích của thử thách đó là Chúa dùng nó để khiến chúng ta chai lì với gian khổ.

Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì ta là Chúa ngươi! Ê-sai 41:10a

Đây là một câu Kinh Thánh tuyệt vời, cho biết khi chúng ta trải qua khó khăn, Chúa sẽ dùng nó mang lại ích lợi cho chúng ta. Ngài làm rất nhiều việc, nhưng một trong số đó là làm cho chúng ta can trường hơn. Chúng ta chai lì với những khó khăn. Nói cách khác, những thứ trước đây làm bực bội chúng ta, hay đe dọa hay làm chúng ta lo lắng, bây giờ không làm phiền chúng ta nữa.

Mọi người tập tạ đều sẽ có cơ bắp, nhưng khi họ đạt đến một độ nào đó, thì cách duy nhất để cơ bắp họ nở thêm là phải nâng mức tạ nặng thêm. Khi chúng ta xin Chúa thăng tiến chúng ta trong bất cứ lĩnh vực nào, chúng ta có thể mong đợi Chúa làm điều gì đó trong chúng ta trước khi Ngài làm điều gì đó cho chúng ta. Có thể nói rằng chúng ta phải làm quen với việc nâng mức tạ nặng kí hơn trong tâm linh.

Chẳng hạn, có thể chúng ta cầu nguyện để tình yêu thương của chúng ta ngày càng chan chứa hơn, nhưng cũng có nghĩa là xung quanh chúng ta sẽ có nhiều người khó yêu hơn. Tôi nhớ có lần tôi cầu nguyện xin Chúa cho khả năng để yêu những người khó yêu. Vài tuần sau, trong sự cầu nguyện tôi đã lằm bằm với Chúa về những con người khó yêu mà tôi gặp phải, và Ngài nhắc tôi không thể yêu người khó yêu nếu xung quanh tôi chỉ có những người dễ yêu, những người không bao giờ làm tôi giận gì cả.

Khi chúng ta cầu nguyện xin Chúa dùng chúng ta một cách lớn lao hơn, chúng ta phải nhớ rằng Phao-lô có nói một cánh cửa cơ hội lớn đã mở ra cho ông, nhưng kèm theo đó cũng nhiều kẻ thù (1Cô-rinh-tô 16:9). Satan chống lại mọi điều tốt đẹp. Nó ghét mọi sự tăng trưởng và tiến bộ, nhưng nếu chúng ta cứ vững vàng, thì Chúa sẽ giải cứu chúng ta và đồng thời Ngài sẽ giúp chúng ta tăng trưởng thuộc linh qua những khó khăn.

Điều này không có nghĩa Chúa là tác giả của các nan đề của chúng ta, nhưng chắc chắn Ngài dùng nó để giúp chúng ta trong nhiều cách. Khi bạn đang gặp hoàn cảnh thách thức và đau đớn, hãy cố gắng nghĩ về điều tốt đẹp sẽ ra từ khó khăn đó, thay vì chỉ nghĩ hoàn cảnh khó khăn làm sao. Khi mọi lý do để hy vọng biến mất, hãy cứ hy vọng bởi đức tin như Áp-ra-ham đã làm.

Theo cái nhìn của Chúa, những điều tốt đẹp đang xảy ra ngay cả trong lúc bạn chờ một sự đột phá hay sự giải cứu. Bạn đang tăng trưởng về thuộc linh, bạn đang phát triển lòng kiên nhẫn, bạn đang trải qua một thử thách và khi bạn vượt qua, bạn sẽ kinh nghiệm sự thăng tiến. Và bạn tôn vinh Chúa bằng cách yêu Ngài ngay lúc này như bạn sẽ yêu Ngài khi hoàn cảnh thay đổi.

Thử thách đều có giá trị. Nó đau nhưng nó đáng giá. Chúng ta ai cũng trải qua, nhưng không phải ai cũng vượt qua. Tôi hay nói sau một cuộc thử thách, một số người sẽ có lời làm chứng, còn số khác thì chỉ có “trở chứng” mà thôi.

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 131 Quốc Gia

We have 6908 guests and no members online

Your Language