Chuyện Cảm Động

119. Bạn Thật Đang Sống Chăng?

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin | Hy Vọng & Tình Yêu | www.quangharvest.com | Chăm Chỉ Đọc Sách | Bạn Thật Đang Sống Chăng? | Masumi Toyotome

Bạn thật đang sống chăng? Tôi xin lỗi đã hỏi một câu ngớ ngẩn như thế, nhưng vì cớ đây là vấn đề vô cùng quan trọng nên tôi vẫn phải đề cập đến. Nếu bạn không thể quả quyết trả lời “vâng, tôi đang sống” thì có lẽ bạn chỉ mới có những vận động của cuộc sống thể xác mà chưa nếm trải được sự thỏa mãn thật của sự sống.

BanThatDangSongChang hiking 1031383 1280x853

1. Quan niệm sai lầm về sự sống 

Những ý tưởng sai lầm về sự sống có thể khiến chúng ta mất sự sống thật. Vài người cho rằng cuộc sống chính là những nhu cầu vật chất chúng ta đang nắm giữ, và theo họ sống là hưởng thụ cho thật sung sướng và đầy đủ: Xe hơi đắt tiền, nhà cửa sang trọng, y phục đẹp đẽ... Như thế chúng ta cứ mãi lo thâu góp tài sản và đến bao giờ mới chịu bắt đầu sống thật? Vì của cải vật chất chỉ là những dụng cụ và đồ trang bị cho cuộc đời. Những đồ dùng vật chất, tự chúng không thể đem lại cho ta sự thỏa mãn lâu dài được. Chứng cớ rõ ràng ấy là chúng ta rất mau chán những gì chúng ta có, và không ngừng ao ước những điều mới lạ. Chúng ta luôn nghĩ rằng nếu có thêm được một vật mình đang khao khát thì chúng ta sẽ mãn nguyện nhưng thực tế không như vậy. Đạt được vật mong muốn chỉ là sự kích thích lòng tham chúng ta tiến xa hơn nữa mà thôi. Rồi chẳng mấy chốc chúng ta lại biến thành nô lệ cho của cải vật chất và đầy tớ những ước vọng bất tận. Trong khi đó sự sống trốn xa chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy cuộc đời thật trống rỗng.

Một số người lại nghĩ rằng sống tức là hoạt động không ngừng. Thấy một người lúc nào cũng làm việc, họ liền bảo: “Đó chính là người thật đang sống!!!” Lao mình từ hoạt động này sang hoạt động khác, gánh vác nhiều công việc, gia nhập nhiều tổ chức, phục vụ trong nhiều ủy ban, luôn luôn cần điện thoại và đi hết nước này đến nước khác vẫn thường là hình ảnh hiện đại của con người đầy sức sống. Thế nhưng chính họ mới là kẻ vô cùng run sợ trước câu hỏi “Bạn thật đang sống chăng?” Lúc nào họ cũng phải xua đuổi khỏi tâm trí những nghi vấn như “Hoạt động của bạn có thêm được gì cho bạn?” Càng đi nhanh, họ càng phải tiến nhanh hơn để dập tắt mệt nhọc và chán nản. Có ai tin được rằng đó là hình ảnh thật và cuối cùng của cuộc đời không?

Kẻ khác còn cho rằng sự sống gói trọn trong thành công và sự nghiệp. Chúng ta đặt một mục đích rồi ép mình tiến tới đích đó. Chẳng hạn một thanh niên nọ muốn trở thành triệu phú trước 40 tuổi. Mục đích của chàng không những chỉ là tài sản nhưng còn là niềm kiêu hãnh muốn đạt được đến đích lúc còn trẻ tuổi. Trên con đường thực hiện, có khi chàng đã mất những bạn thật. Chàng đã trở thành kẻ xa lạ trong gia đình. Thành công của chàng chỉ là một kết quả trống rỗng. Chàng phải làm gì với quãng đời còn lại? Chàng đã mắc bẫy trong thói quen tự tạo của mình, vì hiện nay chàng không thể làm gì hơn là cứ tiếp tục kiếm thêm tiền. Ngày ngày chàng sống trong lo âu giữ gìn của cải. Chàng nghi bạn bè chú ý đến mình chỉ vì mong lấy được điều gì của chàng. Chàng hết sức tự thuyết phục rằng mình đang sung sướng, rằng mình đang có tất cả những gì kẻ khác mong ước trong cuộc đời. Thế nhưng sự sống có phải là tất cả những điều đó không? Nếu có người hỏi chàng: “Bạn thật đang sống chăng?” Có lẽ câu hỏi ấy sẽ khiến tâm trí chàng bị ray rứt không ngừng.

2. Sống là tương giao giữa cá nhân 

Làm sao có thể biết chắc rằng chúng ta thật đang sống? Trước hết chúng ta phải nhận thức được nguyên nhân chính yếu phân biệt giữa hiện hữu và sống thực. Một thiếu phụ phải làm việc vô cùng nhọc nhằn để nuôi sống bản thân cùng ông chồng lười biếng, đã trả lời khi có người hỏi bà ta tại sao chịu nổi được ông chồng như vậy: “Tôi tạo cuộc sống, nhưng ông ta làm cho cuộc sống có ý nghĩa”. Theo bản năng, bà ta biết rằng điều cần yếu thật trong cuộc sống là sự tương giao thương yêu giữa người với người. Hiện hữu trở thành sự sống khi - và chỉ khi - trung tâm của nó là mối tương giao kỳ diệu giữa người này với người khác. Giả thử có lúc bạn nắm được tất cả những gì bạn muốn về của cải, thành công, danh vọng, uy tín, thế lực, tri thức cùng sức khỏe, nhưng lại mất tất cả những tương giao cá nhân, khi ấy bạn có còn cảm thấy cuộc đời đáng sống không? Nếu phải chọn lựa, bạn há chẳng chọn hoàn cảnh ngược lại để được tương giao với gia đình, bạn bè cùng đoàn thể, dù phải thiệt thòi mọi điều khác hay sao?
Nếu còn đặt của cải vật chất trên sự tương giao nhân loại thì chúng ta vẫn chưa tìm được sự sống. Cha mẹ thường lầm lẫn điều nầy. Đôi khi họ chú tâm đến nhà cửa, vườn tược, bàn ghế, cùng xe hơi của mình hơn là cảm nghĩ của con cái. “Đừng cào xước bàn ghế”, “Đừng làm dơ áo mới của má”, “Đừng dẫm lên hoa”.....Tất cả những cái “đừng” này cùng nhiều cái “đừng” khác buộc con cái phải nghe, chứng tỏ cha mẹ lo lắng đến tài sản hơn là sự bất mãn của con cái đến mức độ nào. Nhiều bà mẹ làm việc suốt ngày chẳng phải vì nhu cầu tài chánh, nhưng vì họ xem trong lợi tức phụ trội hơn là lo nuôi dưỡng con cái. Một ngày nào đó họ phải trả giá. Con cái, do bản năng biết rằng cha mẹ quý tiền bạc cùng của cải hơn mình, và trong vô thức đã chống lại cha mẹ. Đến tuổi tự lập, mối liên hệ giữa cha mẹ với con cái bị đổ vỡ. Cha mẹ sững sờ không hiểu vì sao con cái từ bỏ mình và cảm thấy lo âu. Thật ra họ chỉ gặt điều họ đã gieo. Đã quá muộn.

Chúng ta sẽ mất sự sống nếu chúng ta xem trọng tri thức hơn những tương giao giữa những cá nhân với nhau. Sinh viên thường hay rơi vào lầm lỗi này. Lúc còn ở đại học, họ sống bầu không khí mà mọi tư tưởng cùng quan niệm, mọi dữ kiện cùng lý thuyết, đều được gán cho một giá trị rất cao. Con người được phán đoán theo tiêu chuẩn tri thức, và bằng cấp là thước đo lường thành công của người sinh viên. Trong tương lai, người đó được một địa vị trong ban giảng huấn hay không cũng còn tùy thuộc giá trị những bài báo cùng sách vở người ấy xuất bản. Trường học chỉ là một thế giới tri thức lạnh lùng, trong đó mối tương giao giữa người với người là một điều may rủi. Theo lời tường trình của ban cố vấn sinh viên tại một trường đại học nói thì cô đơn chính là vấn đề tối trọng của sinh viên. Đó là điều dĩ nhiên. Trong cái thế giới tri thức mà ai nấy đều đặt mối tương giao giữa người với tư tưởng lên trên mối tương quan giữa chính mình với tha nhân, hẳn mỗi cá nhân phải cảm thấy bị lạc loài và lãng quên.
Chúng ta sẽ mất sự sống thật nếu chúng ta quá yêu chuộng những lý tưởng hơn là mối tương giao với nhân loại dù là những lý tưởng cá nhân, gia đình, tổ quốc hay là triết lý trừu tượng cùng tôn giáo đi nữa. Dù lý tưởng có giá trị đến đâu cũng sẽ chỉ gây ra tan vỡ, đau thương trong nhiều cõi lòng khi con người nâng nó lên cao hơn mối tương giao nhân loại. Danh dự gia đình chẳng hạn cũng là một lý tưởng. Theo văn hóa Nhật-bản đứa con nào mang hổ nhục cho gia đình phải bị từ. Người vợ nào làm nhục gia đình phải bị ly dị. Đứa đầy tớ nào không làm tròn nhiệm vụ phải tự vẫn. Dưới hệ thống giá trị này, con người đã phải gánh chịu bao nhiêu cam go không diễn tả được, nhưng ngày nay lớp người trẻ tuổi đang chống nghịch lại những khuôn mẫu tư tưởng vô nhân đạo ấy.

Con người Tây phương cũng có thể sai lầm dễ dàng như vậy. Nhơn danh một vài nguyên tắc, - phong tục tiến bộ, công lý, bình đẳng, hòa bình và cả dân chủ nữa - chúng ta có thể chà đạp nhân cách và phá vỡ mọi tương giao quý báu. Tình cảm kính trọng sâu xa đối với từng cá nhân đã vùi dập vì lòng say mê những nguyên tắc triết học, khoa học... Con người đã bị sử dụng - và bị lạm dụng - làm phương tiện đưa đến một cứu cánh. Nhưng những lầm lỗi ấy có thể tránh được. Sự cao cả của Giê-xu ấy là dù phải hoàn tất cả một sứ mạng quan trọng, Ngài vẫn không bao giờ thiếu thông cảm dịu dàng đối với mỗi cá nhân chung quanh Ngài. Chẳng hạn Ngài trách người Pha-ri-si lúc nào cũng thích đặt chủ nghĩa duy luật (lý tưởng trong cách cư xử tôn giáo) lên trên mối quan tâm đến những nhu cầu cá nhân: “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người” (Mác 2:27). Ngài thấu rõ điều hệ trọng trong đời sống cá nhân và đoàn thể.

3. Mối tương giao tốt đẹp chính là điểm khác biệt giữa sống, chết

Để nhìn thấy rõ ràng tầm quan trọng tối hậu của tương quan cá nhân trong cuộc sống, chúng ta hãy quay sang câu chuyện nổi tiếng do Chúa Giê-xu kể lại về “Người Con Trai Hoang Đàng” (Lu-ca 15:11-24): Người kia có hai con trai, đứa nhỏ nói với cha rằng “Bây giờ con muốn được phần gia tài của con. Con muốn được độc lập”. Người cha miễn cưỡng chia tài sản gia đình cho con. Chỉ vài ngày sau, chàng thanh niên bỏ nhà ra đi để tìm cuộc sống tốt đẹp nơi chốn thị thành... Trong phần sau câu chuyện, chúng ta sẽ thấy người cha thật vô cùng kiên nhẫn và hiểu biết, nhưng người con đã cắt đứt mối tương quan đẹp đẽ với cha và xem tự do, gia tài, những quyến rũ của cuộc sống đô hội cùng xã hội phóng túng vui chơi là giá trị hơn. Lúc rời bỏ cha, chàng đã quay lưng khỏi điều quan trọng nhất của đời mình. Đó là khởi điểm sự chết, vì chết trong ý nghĩa thâm sâu nhất, chính là mất tương giao. Chàng thanh niên đã chọn chết hơn là sống. Lỗi chính yếu của chàng là gì? Có phải là phung phí tiền bạc chăng? Có phải là chọn lầm bạn hữu chăng? Đó chỉ là những hậu quả thôi. Lỗi chính yếu của chàng ấy là đã khước từ mối tương giao với cha mình. Nếu chàng có bỏ đi vì một lý do nào đáng kể như là tiếp tục việc học hoặc kiếm việc làm đi nữa thì lỗi chàng cũng không nhẹ đi phần nào, bởi cớ động lực căn bản vẫn là muốn hoàn toàn cắt đứt tương giao với cha. Vấn đề của câu chuyện ấy là chàng đã vứt bỏ mối liên hệ của đạo làm con vì ham muốn một điều gì khác. Chàng tưởng sẽ tìm thấy sự sống nơi thành thị, nhưng cuối cùng chàng đã đánh mất nó thật sự.

Lúc còn tiền của, chàng có tất cả mọi sự: Bạn bè, sống sung túc, xa hoa và đầy đủ tiện nghi; những thú vui vật chất được thỏa mãn. Lúc hết tiền, tất cả mọi sự đều mất theo, chàng chỉ còn trơ trọi một mình. Cái tôi hiện tại của chàng cũng không còn được tôn trọng nữa, trong dày vò, chán nản và cô đơn, chàng đánh mất luôn chính bản thân. Khi chúng ta vứt bỏ những tương quan căn bản, chúng ta sẽ mất ngay mối tương quan với những gì thuộc về vật chất, tinh thần, lý tưởng và cuối cùng với chính chúng ta nữa. Đó là cô đơn, là sự chết.

Bây giờ đến khúc quanh của câu chuyện Chúa Giê-xu kể: “Nhưng khi tỉnh ngộ, chàng trai ấy mới tự nhủ: Tại nhà cha ta, biết bao người làm công được bánh ăn dư dật, mà ta đây phải chết đói! Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha mà thưa rằng: “Thưa cha, con đã phạm tội với trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa, xin cha xử con như đứa làm mướn của cha vậy” (Lu-ca 15:17-19). Chàng đã quay về với con người thật của mình và hồi tỉnh lại. Sau khi thử nghiệm mọi sự và khám phá rằng tất cả đều đưa chàng trở về với trống rỗng, chàng mới nhận thức được điều hệ trọng thật chính là mối tương giao giữa chính mình chàng với cha. Nếu bảo rằng người con chỉ lưu tâm đến thức ăn cùng những sung túc gia đình, thì chúng ta cảm biết mình có tội. Qua kinh nghiệm, chàng đã nhìn thấy rõ ràng lầm lỗi là bất cứ điều gì phá vỡ mọi tương giao. Và tội lỗi nhất là tội nghịch với Trời, hay là tội nghịch với Thượng Đế, đưa đến kết cuộc là xây lưng khỏi Thượng Đế. Đổ vỡ tương giao với Thượng Đế đưa đến đổ vỡ tương giao với loài người và mọi vật khác. Bây giờ chàng mới biết thế và quyết định sửa lỗi dù phải mất cả thể diện. Chàng cương quyết quay về, xoay hẳn một góc độ một trăm tám chục độ. Thay vì bỏ đi xa hơn, chàng tự nguyện trở về cùng cha. Hoặc nói cách khác, chàng đã ăn năn lầm lỗi.

Bây giờ chàng mới nhìn thấy mối tương giao với cha quý báu đến nỗi chàng muốn quay về dù biết không thể khôi phục lại địa vị ngày xưa. Chàng không mong được trở về như một người con trong gia đình, chỉ đóng vai một đứa đầy tớ để được về nhà cũng đủ lắm rồi. Đối với chàng, sự thay đổi tâm hồn này chính là khởi đầu một sự sống mới. Từ trước chàng chỉ hiện hữu; đến bây giờ chàng mới thật sống. Như cha chàng đã nói: “Con ta đây đã chết, bây giờ lại sống” (Lu-ca 15:24).

4. Sống là tương giao riêng tư với Thượng Đế 

Đang khi kể câu chuyện nầy, Chúa Giê-xu không chú trọng đến mối tương giao của chúng ta đối với Cha phần xác nhưng là với Thượng Đế. Tương giao cha con trong thí dụ trên được dùng với chủ ý minh chứng tương giao đặc biệt giữa người với Thượng Đế. Bạn nhớ rằng Chúa Giê-xu thường khuyên chúng ta nên nghĩ đến Thượng Đế như Cha Trên Trời của chúng ta. Con người đã từng quay lưng với Cha Thiên Thượng là Đấng tạo dựng và yêu thương mình. Kinh Thánh gọi đó là tội lỗi. Tất cả những khó khăn của nhân loại, cá nhân, đoàn thể, quốc gia và quốc tế đều bắt nguồn từ khởi điểm này. Ngay cả những nan đề của chàng thanh niên này cũng khởi nguồn từ lúc chàng từ khước cha mình. Mọi vấn đề khác của nhân loại cũng phát sinh do thái độ từ khước của con người trước tình yêu cùng chương trình của Thượng Đế. Nơi nào có tội lỗi thì có sự chết, một hậu quả không thể tránh được (Rô-ma 6:23).

Chúng ta có tự do lựa chọn hành động mình, và phải nhận lấy hậu quả của mọi hành động ấy. Chúng ta có thể tự ý chấp nhận hoặc từ khước mối tương giao yêu thương Thượng Đế ban cho. Nếu chấp nhận, chúng ta được sự sống; nếu khước từ, chúng ta lãnh sự chết. Đó không phải lỗi Thượng Đế. Đó là hậu quả lựa chọn của chúng ta, và chúng ta phải gánh lấy trách nhiệm mình. Sách giáo khoa vật lý dạy rằng nếu chúng ta lao mình qua cửa sổ tần lầu thứ mười thì luật trọng lực sẽ tác dụng trên thân thể ta và chúng ta sẽ rơi xuống đất chết ngay. Chúng ta có thể lựa chọn nhảy ra cửa sổ hay không, nhưng khi đã nhảy rồi thì chúng ta không còn có thể lựa chọn chết hoặc không chết được. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng những định luật trong địa hạt tâm linh cũng bất biến đối với chúng ta như thế. Nếu đã lựa chọn chối bỏ Thượng Đế tức chúng ta cũng đã lựa chọn hậu quả của nó: Sự chết tâm linh.

Tuy nhiên, có một khác biệt kỳ lạ và tuyệt diệu giữa những định luật vật lý và chương trình thánh của Thượng Đế là dịp tiện ăn năn. Chàng thanh niên trong câu chuyện trên đã xuống dốc và xuống mãi cho đến lúc va vào tảng đá tận đáy vực sâu. Chàng đã mất tương giao với cha, với bạn hữu và cả với chính bản thân mình nữa (khi chàng không còn tự trọng). Lúc tiến gần sự chết tâm linh, chàng cũng lại gần bên cái chết thân xác vì đói khát. Hai cái chết lúc nào cũng nối đuôi nhau. Thế nhưng chính tại điểm quyết định nầy, chàng vẫn còn dịp tiện ăn năn, dịp tiện quay về với cái bản ngã thật của mình, dịp tiện tự ý trở lại cùng cha.

Cơ hội ăn năn sẽ trở nên vô ý nghĩa nếu không có sự kiện quyết đình toàn diện; Thượng Đế muốn tiếp nhận chúng ta trở lại. Người con trong câu chuyện trở về cùng cha với ý định làm một đầy tớ. Nhưng người cha không chịu như vậy. Người đã cắt đứt câu nói khéo léo của đứa con, không cho chàng kịp nói hết câu: “Con không xứng đáng được gọi là con của cha nữa, xin hãy xử con như một đứa ở mướn của cha vậy.” Người đã sai lấy áo mới mặc cho con, đeo nhẫn vào tay và mang giày vào chân. Rồi sai giết một con bò mập làm lễ ăn mừng. Đây không phải là lúc trách mắng, nhưng là lúc vui mừng! “Vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà tìm lại được”. Như người cha nhân từ trong câu chuyện, Thượng Đế chính là một Đấng nhân từ và tha thứ. Không một luật luân lý nào bắt Thượng Đế phải tha thứ. Bản chất Ngài vốn như thế. Và đó là tin tức tốt lành mà Kinh Thánh cho chúng ta hay, tin tức bất ngờ và kỳ diệu.

Tình yêu Thượng Đế dành cho loài người hoàn toàn khác biệt với các loại tình yêu thường tình trong mối tương giao nhân loại. Qua kinh nghiệm thông thường, chúng ta nhận biết mình chỉ có thể được yêu nếu đáp ứng được một vài điều kiện nào đó: Nếu chúng ta dâng hiến điều gì, trở thành người thế nào, làm được việc gì chẳng hạn... Đó là loại tình yêu Nếu. Ngay cả tình yêu đẹp đẽ hơn hết, chúng ta cũng được yêu vì con người chúng ta như thế nào đó, vì chúng ta đáng yêu, giàu có, rộng rãi, thành công... Đó là loại tình yêu Vì. Nhưng tình yêu của Thượng Đế khác hẳn loại tình yêu này ở điểm Ngài yêu chúng ta mặc dù chúng ta thế nào hoặc làm gì đi nữa. Đây là loại tình yêu mặc dù. Người cha trong câu chuyện kể trên yêu con trai ngay cả lúc nó bỏ nhà ra đi. Người mong chờ con về và trông ngóng con mỗi ngày lúc nó còn ở tận phương xa. Khi con quyết định quay về, mới thấy con tận đàng xa, người đã chạy đến ôm hôn con trai mình. Thượng Đế yêu chúng ta ngay từ lúc chúng ta loại bỏ và khinh rẻ Ngài. Dù chúng ta có gian ác và suy bại đến mức độ nào, tình yêu Ngài vẫn không thể xây khỏi chúng ta. Ngài yêu trong lúc chúng ta xấu hơn hết, chính lúc chúng ta đóng đinh Đấng đã sai xuống trần gian để cứu vớt chúng ta. Chẳng một ai hiện đang sống mà không được Thượng Đế yêu từng giây, từng phút. Thế có nghĩa là mối tương giao kỳ diệu với Thượng Đế đang nằm trong lòng cuộc đời được dành sẵn cho mỗi người. Thượng Đế không thiên vị bao giờ. Ngài ban sự sống cho mọi người như nhau.

5. Được sự sống nhờ Chúa Cứu Thế Giê-xu 

Tương giao giữa những cá nhân thường vẫn khó điều hành hơn cả. Phần đông chúng ta nhận thấy việc thu xếp tài chánh, điều khiển máy móc, thực hiện những việc làm khó khăn thuộc thể xác, hoặc tiến hành mọi hoặt động riêng tư dễ dàng hơn là duy trì những mối tương giao giữa người với người. Tại sao thế? Ấy là bởi chúng ta tất cả đều đang cùng ở trong một tình trạng thiếu hụt tình yêu. Tất cả chúng ta đều khao khát được chú ý, được nhìn nhận, được yêu thương và quý chuộng. Bất mãn với điều mình nhận được, chúng ta khước từ tha nhân. Cuộc đời chúng ta là một chuỗi phản ứng xấu xa của những va chạm cá nhân. Người chồng bất mãn về nhà trút đổ cho vợ, vợ trút cho con cái, con cái trút cho chó, chó trút cho mèo... Đến đâu mới chấm dứt được? Hết vòng này đến vòng khác và cứ như thế tiếp tục mãi.

Chúa Cứu Thế Giê-xu là người duy nhất có thể phá vỡ vòng hư hoại này. Ngài là tình yêu của Thượng Đế thể hiện trong thân xác, được minh chứng trong cuộc sống thường ngày của Ngài suốt ba mươi ba năm trên đất với con người. Ngài không đến để nói về tình yêu, dạy về tình yêu hoặc minh giải những lý thuyết khó hiểu về tình yêu. Ngài chỉ yêu. Ngay cả lúc kẻ thù giết Ngài trên thập tự giá Chúa Giê-xu vẫn cầu thay cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca 23:34). Lúc ở trên thập tự giá Ngài bảo chúng ta: “Hãy trút đổ trên Ta mọi bất mãn, cay đắng, oán hờn, ghen tương, thất vọng cùng giận dữ của các ngươi! Ta sẽ gánh hết và đem vào cái chết.” Viên tổng đốc La-mã không thể tìm được một lỗi lầm nào trong Ngài, thế nhưng cả đám đông la lên: “Hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự! Hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự!” Viên tổng đốc bèn hỏi: “Các người giết một kẻ vô tội sao?” Mọi người la to: “Xin huyết người đổ lại trên chúng tôi và con cái chúng tôi” (Ma-thi-ơ 27:25). Chúa Giê-xu không phản đối, cũng chẳng hề kháng cự. Câu chuyện đưa chúng ta đến kết luận rằng chính Chúa Giê-xu đã lựa chọn chết như thế. Sau này các môn đồ Ngài mới nhìn thấy ý nghĩa cái chết của ngài: Con Đức Chúa Trời phải chết để chuộc tội của cả nhân loại. Ê-sai, một đại tiên tri sống 700 năm trước Chúa Giê-xu, đã thấy trước cái chết của Ngài là giải pháp duy nhất làm phương thuốc cho loài người: “Người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương; bởi sự sửa phạt Người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi Người chúng ta được lành bịnh.” (Ê-sai 53:4, 5).

Giê-xu đã chết, nhưng Ngài không chết mãi. Đức Chúa Trời đã đem Ngài ra khỏi mồ mả. Lời xác nhận kỳ lạ của tín đồ Đấng Chúa Cứu Thế qua hàng bao thế kỷ, kể cả nhiều người đang sống hiện nay, ấy là Ngài hiện đang sống ở giữa chúng ta, vô hình nhưng rất thực hữu. Bằng chứng này ở ngay trong kinh nghiệm thật của nhiều chứng nhân được tương giao riêng tư với Ngài mỗi ngày. Chúng ta có thể mang những bất mãn thầm kín của mình đến cho Ngài. Ngài từng phán với chúng ta rằng: “Cứ đem đến giao tất cả cho Ta”. Bạn đã thử chưa? Bạn sẽ thật kinh ngạc thấy Ngài thực hữu và có thể cất nỗi niềm cay đắng cùng tranh cạnh khỏi chúng ta cách kỳ diệu dường nào. Ngài thay thế những tình cảm hư hoại này bằng tình yêu mà Ngài đã ban cho chúng ta, không kể chúng ta là kẻ thế nào. Bởi nhận được dư dật tình yêu mặc dù, chúng ta có thể đến gần mọi người chung quanh với cùng tình yêu không đòi hỏi ấy. “Chúng ta yêu vì Ngài đã yêu chúng ta trước” (IGiăng 4:19). Nếu mỗi ngày chúng ta đến với Ngài và nhận lấy tình yêu vô điều kiện ấy thì phản ứng của tình yêu mới mẻ này sẽ phát hiện trong chính chúng ta. Chúng ta sẽ yêu một người nào đó không kể người đó đối với chúng ta thể nào, rồi người ấy lại yêu một người khác và cứ thế tiếp tục mãi. Đây là một điều khác hẳn với những gì chúng ta hiểu biết từ trước. Đây chính là mối tương giao thật, sự sống thật.

Chúng ta không còn cần phải tìm kiếm của cải vật chất để làm của riêng nữa. Bây giờ chúng ta có thể sử dụng chúng như những dụng cụ truyền đạt yêu thương đến tha nhân. Đó mói thật là thụ hưởng tài sản, chúng đem lại cho chúng ta mãn nguyện và vui thỏa. Chúng ta chẳng cần phải lao mình vào những hoạt động không ngừng nữa, vì bây giờ chúng ta có thể vui hưởng từng hành động một coi đó là một dịp để bày tỏ mình thật đang “hiện diện” bên cạnh kẻ khác. Một cậu bé phạm pháp phàn nàn: “Cha tôi dẫn tôi đi rất nhiều nơi, nhưng trong lúc đi đường chúng tôi không thật sự đi chung với nhau”. Người cha đi bên cạnh con chẳng qua là những cử động chứ không “thật sự hiện diện” đối với cậu con. Tình yêu không có mặt ở đó. Khi chúng ta tìm thấy tình yêu trong Chúa Cứu Thế, chúng ta không còn cảm thấy thiếu thốn như vậy nữa. Mỗi giây phút sẽ đem chúng ta đến gần tình thân hữu khăng khít với một người nào đó bất luận chúng ta ra sao, hoặc đang làm gì. Như thế, khi đã tìm thấy Chúa Cứu Thế, chúng ta không còn phải đuổi bắt sự sống nữa. Sự sống đã đến với chúng ta rồi. “Ai gìn giữ sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ Ta mà mất sự sống mình thì sẽ được lại” (Ma-thi-ơ 10:39).

6. Tìm được sự sống không khó 

Vậy, làm sao chúng ta có được sự sống? Chúng ta phải làm gì? Tôi hy vọng những lời bàn luận trên không khiến bạn có cảm tưởng sự sống khó tìm. Giải pháp đơn giản vô cùng. Bạn chỉ cần bắt đầu bằng một lời cầu nguyện đơn sơ, cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ bạn vì đã cố ý hoặc vô tình từ chối Ngài. Thưa với Ngài rằng bạn thật lòng mong ước sự sống tương giao kỳ diệu với Ngài. Rồi trong lời cầu nguyện, bạn hãy hướng về Chúa Cứu Thế Giê-xu, thưa với Ngài rằng bạn muốn chấp nhận tình yêu lớn lao mà Ngài đã bày tỏ cho bạn qua sự chết Ngài trên thập tự giá. Cầu xin Ngài ban tình yêu ấy tràn ngập trong lòng bạn, và từ đây làm chủ mọi tình cảm, tư tưởng, lời nói cùng hành động của bạn để mọi việc làm của bạn đều nói lên tình yêu Ngài đang hành động trong bạn. Bạn sẽ tha thứ như Ngài đã phục vụ mọi người, bạn sẽ nói lên để kẻ khác biết về Ngài. Bạn có thể cầu nguyện cách riêng tư như thế khi đọc những dòng này. Bạn có thể thực hiện ngay lúc đang đi đường. Bạn có thể cầu nguyện chung với những người thân yêu. Bạn có thể làm theo mọi lời này bất cứ ở đâu, và khi nào cũng được. Có lẽ bạn không cảm thấy một xúc cảm, một phép lạ nào chứng tỏ sự biến đổi hữu hình. Nhưng chẳng bao lâu đời sống bạn sẽ khác hẳn khiến bạn tin chắc rằng bạn đã thật được bước vào mối tương giao sống động với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Rồi tự bạn hỏi “Tôi thật đang sống?”
Và bạn sẽ sung sướng với câu trả lời của mình.

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 130 Quốc Gia

We have 4533 guests and no members online

Your Language