Các Nhà Khoa Học Đã Tin Chúa

Câu Chuyện 15: Những Chiếc Cầu Vượt

15 21CauChuyenKhoaHoc 1210x808 

 

Hãy tưởng tượng bạn đang gặp nguy cấp với chỉ còn một con đường để được an toàn mà thôi. Bạn phải vượt qua một chiếc cầu mà cách xây dựng rất lạ lẫm và sức bền của nó có vẻ rất đáng ngờ. Làm thế nào để bạn quyết định có nên liều mạng tự phó mình cho nó hay không?

John K.Holmes, khi còn là một sinh viên theo hai môn chính là Toán học và Vật lý học, đã gặp vấn đề ấy, nếu đem nó ra để so sánh với nan đề thuộc linh mà ông biết là mình đang phải đối đầu. Một khi đã giải quyết xong, ông nhận thấy “có nhiều điều rất lạ lùng đã bắt đầu xảy ra – khi Đức Chúa Trời bắt đầu nhậm lời cầu nguyện của tôi, thì đức tin mà tôi đặt vào Ngài cũng trở nên mạnh mẽ vững vàng hơn”.

Đức tin vào Đức Chúa Trời đó đã thường bị thử thách trong cuộc đời của John. Hồi là một thuỷ thủ trẻ của hải quân, ông nhận ra rằng mình là Cơ Đốc nhân duy nhất trên chiếc tàu đầu tiên của mình. Ông đã thấy đức tin của mình bị thử thách trong đời sống của nhiều người mà ông gặp trong những chuyến đi của mình tại nhiều nơi trên thế giới nữa.

Là một đại diện của Hội Liên Trường (Inter-Varsity) tại Phi Châu, ông đã nhanh chóng nhận thức được rằng cuộc đời làm Cơ Đốc nhân vốn là một cuộc chiến đấu hằng ngày đổi với nhiều học sinh bản địa, bị các đồng bạn của họ xa lánh, hoặc bị cha mẹ, bà con thân thuộc và bạn bè ruồng bỏ. Nhưng ông cũng thấy sự thay đổi mà Chúa Giê-xu đã làm trong đời sống họ, khi họ tận hiến cho Ngài. Ông được khích lệ vì “nhiều học sinh sinh viên nổi bật, giỏi nhất tại Phi Châu, đã cùng chia sẻ một kinh nghiệm y như thế của Chúa Cứu Thế Giê-xu” mà bản thân ông từng gặp.

John bảo rằng đó quả thật là một yếu tố củng cố, thêm sức lực cho ông khi ông đã có thể đi du hành và làm việc tại nhiều nước khác, giữa nhiều nền văn hoá khác – và biết được rằng “chiếc cầu đức tin vẫn có sẵn cho mọi người trên thế giới, để có thể vượt qua”.

John K.Holmes là Hiệu trưởng Trường Stony Brook, New York. Ông đã ra đời và được trưởng dưỡng tại miền Nam nước Anh, và đỗ bằng Thạc sĩ Toán học và Vật lý học tại Đại học đường Cambridge.

Ông từng làm việc nhiều năm tại Phi Châu, chủ yếu là tại Đại học đường Khoa học và Kỹ thuật tại Kumasi, Ghana, nơi ông đạt được cấp bậc Giảng viên Trưởng. Ông du hành rộng khắp Phi Châu với cương vị một đại diện của Hội Liên Trường Cơ Đốc giáo.

Ông đã cho đăng báo nhiều bài viết về Khoa học, và là chủ biên tạp chí Span, một tờ báo nhằm đặc biệt vào các học sinh sinh viên tại Phi Châu. Ông hiện chịu trách nhiệm về vấn đề giáo dục và tiến bộ thuộc linh cho bốn trăm chàng trai cô gái tại một trường nội trú Cơ Đốc giáo tại góc cực Bắc của nước Mỹ.

Cách giải quyết một vấn đề đơn giản đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi. Tôi xin kể cho bạn nghe việc đã xảy ra.

Năm tôi học lớp cuối cấp Trung học tại Wimbleding Anh quốc, tôi được mời quay trở lại với một trại hè thể thao. Nhưng có một điều đã làm tôi bối rối. Tôi nhớ lại lần đầu tiên được mời đến đó, mọi người chúng tôi được yêu cầu mang theo mình một quyển Thánh Kinh khi nhập trại. Tôi vốn không được trưởng dưỡng trong một gia đình Cơ Đốc giáo, và không hiểu tại sao quyển Thánh Kinh lại là cần thiết trong trại. Tuy nhiên, tôi vẫn tìm được một quyển Thánh Kinh cũ bám đầy bụi, và đem nó theo mình. Tôi rất thích cuộc cắm trại ấy, nhưng có hơi khó chịu về các buổi họp tối, trong đó Thánh Kinh được đọc và thảo luận. Các cơ hội ấy đã chẳng có ý nghĩa gì cho tôi cả.

Dù phân vân, tôi vẫ quyết định sẽ đến đó một lần nữa. Các trò chơi thật vui, và những người khác trong cũng rất thể thao nữa. Lần này, tôi lắng nghe chăm chú hơn trong các buổi họp tối. Tôi bắt đầu cảm thấy rằng cho dù Chúa Cứu Thế Giê-xu có là ai đi chăng nữa, dường như Ngài đã có làm một điều gì đó cho tôi. Tôi cảm thấy khó chịu về điều ấy, vì tôi đã chẳng hề để ý đến cái khả năng đó suốt cả đời mình.

Gia đình tôi hoàn toàn đối nghịch với Hội Thánh Cơ Đốc giáo. Có lần cha tôi từng làm thư ký cho một câu lạc bộ thể thao của nhà thờ. Rồi một ngày nọ, ông thủ quỹ của nó – một cấp lãnh đạo của Hội Thánh – đã biến mất, ẫm theo cả ngân quỹ của câu lạc bộ thể thao. Chắc cha tôi đã trưởng dưỡng chúng tôi với niềm tin rằng tất cả những người đi nhà thờ đều là những kẻ đạo đức giả – tôi nghĩ như thế. Ở nhà chúng tôi, Chúa nhật là ngày lao động trong vườn, tiếp theo là bữa ăn thịnh soạn nhất trong tuần.

Nhưng giờ đây, ở trong trại, tôi bắt đầu nghĩ rằng có lẽ tôi không nên buộc tội toàn thể các Cơ Đốc nhân chỉ vì chỉ có một người duy nhất đã rõ ràng không sống đúng theo cách mà các Cơ Đốc nhân đã rõ ràng không sống đúng theo cách mà các Cơ Đốc nhân phải sống. Tôi nhớ lại là mình biết rõ một số tín hữu đã có đời sống chắc chắn là rất đẹp lòng Đức Chúa Trời – nếu Ngài có thật.

Tôi nói điều đó với người lãnh đạo trại hè. Tôi bảo với ông ta rằng chắc gia đình tôi sẽ chẳng vui chút nào nếu tôi báo cho họ hay rằng mình muốn trở thành một Cơ Đốc nhân. Sau nhiều lần trò chuyện lâu với nhiều người khác nhau, chính tôi đã nói lên lời khước từ thật sự: tôi không thể dấn thân bước theo Chúa Cứu Thế vì không biết chắc sẽ có gì xảy ra nếu tôi làm như thế! Có lẽ Đức Chúa Trời cũng không hề có thật; mà như thế thì tôi chỉ gây bối rối cho gia đình vì một chuyện không đâu!

Lúc ấy, tôi đồng học vật lý học và Toán học Ứng dụng để chuẩn bị vào Đại học, và người bạn góp ý cho tôi biết rõ điều đó. Cho nên vấn đề sinh tử đã được đặt ra: “Giả sử bạn không chắc chắn là mình có thể vượt được một cây cầu trông có vẻ hắc ám bắc ngang một dòng suối. Thế bạn sẽ làm thế nào? Bạn sẽ thực tế trong vấn đề ấy, hay cố tìm cách giải quyết bằng lý thuyết? Bạn sẽ dùng Toán học và vật lý học, ngồi lại và cố thử tính toán các sức căng và sức chịu đựng của chiếc cầu – hay bạn sẽ đặt một chân của mình lên đó, rồi có lẽ là cả chân kia nữa, để thử xem nó có chịu đựng nổi không?”

Sau khi suy nghĩ môt chút, tôi đã trả lời cho câu hỏi trên như sau: “Tôi nghĩ mình sẽ tuỳ theo ý muốn vượt qua nó nhiều ít như thế nào” “Giả sử đây là một vấn đề sinh tử?”

Tôi quả quyết: “Thì tôi sẽ đặt một chân lên chiếc cầu”

Anh bạn của tôi đã gật đầu: “Thế tại sao bạn không làm như thế để tìm đường đến với Đức Chúa Trời? Hãy nghĩ về Chúa Cứu Thế là cây cầu. Bạn chẳng có gì để mất cả. Nếu đó chỉ là một huyền thoại, một lối sống kiểu cách thì sẽ chẳng có gì xảy ra cả. Bạn sẽ chẳng bị thiệt hại gì hơn trước đó. Nhưng nếu bước đi bằng đức tin của bạn được ban thưởng, thì việc bạn đã thử đó sẽ được trả công xứng đáng. Tại sao bạn không thưa với Đức Chúa Trời rằng bạn đang bắt đầu nghĩ rằng Ngài thực hữu – rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu rất có thể là Con Ngài thật – và rằng bạn đang bắt đầu muốn tin cậy Ngài cho đời sống mình?”

Một mình trong đêm đó, tôi đã cầu nguyện đại khái như thế này: “Lạy Đức Chúa Trời, con không dám chắc là Ngài có hay không – nhưng nếu Ngài có thật thì xin hãy sai Chúa Cứu Thế Giê-xu đến làm Cứu Chúa của con, con bằng lòng tin cậy Ngài và đến để biết Ngài cho chính mình”.

Ngay sau đó, tôi đã chẳng cảm thấy gì khác lạ cả. Nhưng, qua nhiều tuần nhiều tháng sau, khi tôi biến đức tin thành hành động, thì bắt đầu thấy nhiều kết quả tích cực. Gia đình tôi tin rằng mối quan tâm mới đó của tôi là điên rồ sẽ chóng qua đi, nên dường như chẳng cần lo lắng làm chi cho uổng công. Tuy nhiên, thời gian cứ trôi qua, tôi ngày càng ý thức được rằng đức tin của tôi đang ngày càng phát triển lớn mạnh hơn. Giờ đây, tôi tuyệt đối tin chắc rằng Đức Chúa Trời có thật, tôi đã bước vào một mối liên hệ cá nhân với Ngài nhờ tin cậy vào Con Ngài, là Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Mấy tháng sau tôi được gọi thi hành nghĩa vụ quân sự trong quân đội Anh quốc. Tôi cảm thấy mình bị lôi cuốn vào hải quân Hoàng gia. Đức tin tôi được thử nghiệm trong lần huấn luyện cơ bản trên chiếc tàu đầu tiên của tôi – theo điều tôi được biết thì tôi là người tín hữu Cơ Đốc giáo duy nhất trong cả thủy thủ đoàn. Nhưng đọc Thánh Kinh giúp tôi được rất nhiều, và những buổi nhóm lại với các Cơ Đốc nhân khác khi được lên bờ cũng thế. Lúc ấy tôi đã gặp phu nhân của viện trưởng Radas. Gilliam Barrett bấy giờ hãy còn là một cô gái nhỏ, cứ nhìn trộm quanh các đầu cầu thang, xem ai là những người đến nhóm lại buổi tối Thứ bảy, tổ chức trong nhà riêng của cha mẹ cô tại Hinchley Wood, phía Nam Luân Đôn. Cuộc gặp mặt lần sau của chúng tôi là tại một Hội nghị Cơ Đốc giáo tại Gull Lake Michigan, hơn ba mươi năm sau đó. Chính vì cuộc họp ấy mà tôi chia sẻ lời làm chứng này với bạn hôm nay.

Sau bốn năm du hành khắp nơi trong Hải quân Hoàng gia, tôi vào Đại học đường Cambridge – một trong hai trường đại học hàng đầu của Anh quốc – để học Toán và Vật lý học. Lúc ấy tôi được thông công cá nhân thật mật thiết với Đức Chúa Trời. Và tôi đã được đặc ân dẫn một số người khác đến với Ngài bằng cách vượt qua cùng một cây cầu đức tin mà lần đầu tiên tôi đã vượt qua tại trại hè thể thao.

Tôi làm việc một năm tại Hoa Kỳ; nơi tôi gặp nhà tôi. Rồi tôi dạy học hai năm tại Trường Cao đẳng St.Lawrence bên Anh. Kết quả của những chuyến du hành của tôi, là tôi ngày càng tán thưởng nhiều hơn rằng Đức Chúa Trời mà tôi đã nhận biết và yêu mến có thể thoả mãn các nhu cầu của tất cả mọi người trên cả thế gian này. Bây giờ thì tôi đã thấy được rằng Ngài muốn tôi dành nhiều thì giờ hơn để chia sẻ Ngài cho nhiều người khác.

Cho nên năm 1954, tôi nhận một chân giảng viên Toán học và Vật lý học tại Đại học đường Khoa học và Kỹ thuật ở Kumasi, Ghana. Trong một giai đoạn ngắn ngủi chỉ gồm có hai năm, tôi đã đến với tất cả các trường đại học trên toàn thể châu lục rộng lớn này. Nhà tôi và tôi đã dành ra mười lăm năm để lập căn cứ tại đó và tại Kenya, làm việc với hội Liên Trường Cơ Đốc giáo (Inter –Varsity Christian Fellowship) và chăm sóc cho các nhóm Cơ Đốc nhân đang tăng trưởng trong các trường đại học và cao đẳng trên cả Châu Phi.

Đại đa số các cố vấn và trợ tá trong các nhóm ấy vốn là các giáo sư Toán học, Khoa học, và Cơ khí. Điều vẫn còn đúng cho đến ngày nay, là hễ nơi nào có các trường học dạy giỏi về cơ khí, thì bao giờ cũng có các Cơ Đốc nhân mạnh dạn làm chứng đạo nữa – tôi tin sở dĩ như thế, vì các kỹ sư cơ khí thích những vật chịu lao động!

Tôi đã gặp gỡ và làm việc chẳng những với các Cơ Đốc nhân tại Mỹ Châu và Phi Châu mà thôi, nhưng còn tại Ấn Độ, Scri Lanka, Malta, Hong Kong, Singapore, Australia và khắp nơi tại Viễn Đông nữa. Tôi đã nhận thấy rằng cho dù ngôn ngữ và màu da của họ có như thế nào đi chăng nữa, thì các Cơ Đốc nhân ấy vẫn có nhiều từng trải với Đức Chúa Trời, và đều rất giống với các từng trải của chính tôi.

Có lần hồi ở bên Phi Châu, một anh bạn đã nói với tôi rằng anh vốn là một trong những người đầu tiên của bộ lạc anh đã tin Chúa Cứu Thế. Anh đã đến từ một môi trường xã hội khác hẳn với tôi – bối cảnh học vấn của anh hoàn toàn là con số không. Thế nhưng tôi cảm thấy một ái lực đối với anh còn mật thiết hơn cả với vị khoa trưởng đại học mà tôi đang làm việc nữa. Cũng như tôi, nhà khoa học ấy đã từ Anh quốc đến, đã từng theo học các trường học và Đại học đường rất giống với các nơi mà tôi đã từng theo học. Nhưng ông ta không biết Đức Chúa Trời, và không thể hiểu nổi đức tin mà chúng tôi đặt vào Ngài. Người của bộ lạc kia nhờ tin Chúa nên biết và hiểu, nên điều đó đã tạo ra chỗ khác nhau trong tình bạn của chúng tôi.

Một vài bạn đồng sự không tin Chúa của tôi trong công tác khoa học từng lấy làm lạ về đức tin đặt cho tôi những câu hỏi rất khó trả lời. Nhưng từng trải của tôi cho thấy có nhiều câu hỏi còn khó trả lời dành cho người không tin sự hiện hữu của Đức Chúa Trời hơn là các câu hỏi khó mà họ nêu ra cho tôi đó.

Hồi còn học cao đẳng, tôi đã ngạc nhiên về trật tự vũ trụ này. Có thể nào tất cả mọi điều đó đều là do may rủi ngẫu nhiên cả không? Nó đã phát sinh như thế nào? Và trong tất cả mọi điều đó, có một chủ đích nào không? Nếu đời sống chẳng có chủ đích chi cả, thì triết lý của chúng ta sẽ phải là: “hãy ăn, nhậu, vui chơi, vì ngày mai chúng ta sẽ chết”. Nhưng mặt khác, giả sử có một Đấng Tối Cao đã thiết kế cái vũ trụ này và dựng nên loài người cho các chủ đích của Ngài, thì bạn và tôi phải tìm kiếm Ngài để biết rõ ý chỉ Ngài đối với đời sống chúng ta.

Thật là một phấn khởi lớn cho tôi khi tìm thấy rằng ở đầu bên kia của cây cầu đức tin, thì không phải chỉ có một mình Đức Chúa Trời đang chờ để chào mừng chúng ta, mà còn có cả một đám rất đông người khác nữa cũng đã vượt được nó.

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 131 Quốc Gia

We have 6880 guests and no members online

Your Language