Các Nhà Khoa Học Đã Tin Chúa

Câu Chuyện 19: Giao Lưu Tiếp Xúc

19 21CauChuyenKhoaHoc 1210x808 

 

Lời chứng sau đây là độc nhất vô nhị trong tập sách này. Nó kể về kinh nghiệm bản thân của Richard B.Andrews, một nhà tiền phong trong ngành vô tuyến điện người Anh. Câu chuyện gồm hai phần được viết cách nhau mười tám tháng. Phần thứ nhất kể về một người tên Dick được gặp Đức Chúa Trời lần đầu tiên; phần thứ hai, được viết ngay trước khi cái chết về phần xác của ông ta, giải thích thế nào ông đã có thể trực diện với cái viễn ảnh ấy với “tinh thần an tịnh và hạnh phúc” như nhận xét của những người khách đến viếng ông.

Dick đã nói với chúng tôi như thế này: “Suốt cả đời tôi, mối quan tâm khoa học chủ yếu của tôi là giao lưu tiếp xúc – nhất là bằng vô tuyến điện. Tôi vẫn còn nhớ rõ một chương trình mà tôi từng thực hiện với một bạn đồng nghiệp ở bên kia bờ Bắc Đại Tây dương. Anh ta cùng với tôi đang thử một hệ thống thu phát thanh mới bằng năng lượng thấp. Ngay trước giờ đã hẹn trước tôi mở máy thu và bắt đầu vặn nút dò đài. Chẳng bao lâu sau đó, tôi nghe tín hiệu mà anh ta gọi tôi, bảo tôi ‘vào đi’.

Tôi đáp lại và chờ

Anh ta đã trở lại

Chúng tôi đã bắt liên lạc, đã tiếp xúc được với nhau!

Tôi đã rất thích công việc của cả cuộc đời mình – một sự phấn khởi được giao lưu tiếp xúc với những người mà tôi chẳng hề nhìn thấy và giúp càng nhiều người hơn nữa làm như thế. Nhưng điều còn phấn khởi hơn nhiều là biết rằng với sự nỗ lực ít hơn rất nhiều, chúng ta có thể giao lưu tiếp xúc với Đức Chúa Trời – và chắc chắn về sự thành công của cuộc tiếp tục đó! Vì tôi biết rằng Ngài luôn luôn sẵn sàng lắng nghe chúng ta.

Tôi không nói rằng các câu trả lời của Ngài bao giờ cũng là những câu trả lời mà chúng ta mong đợi, nhưng chúng ta là những người tin cậy Ngài đều biết rằng cho dù Ngài trả lời như thế nào, thì nó cũng đều đúng cả. Điều phấn khởi nhất đối với tôi là có một ngày, tôi thậm chí còn được nhìn thấy Ngài “mặt đối mặt” nữa kia!

Richard B.Andrews ra đời tại Ấn Độ năm 1907. Vì sức khoẻ kém, ông được gởi sang Anh quốc một năm sau đó.

Hồi còn trẻ, ông đã quan tâm đến ngành điện tử. Nhưng vào thời đó, đã chẳng có cấp bằng nào được cấp phát về đề tài ấy.

Sau đó, ông tìm cách lấy một bằng tốt nghiệp đại học về cơ điện của Đại học đường Bristol trước khi vào công ty Standard Telephones and Cables (nay là một phần của công ty I.T.T. về giao thông quốc tế) làm công tác phát triển ngành vô tuyến điện.

Năm 1950, ông được chọn làm thành viên của Viện các Kỹ sư Điện khí nổi tiếng. Suốt ba mươi tám năm công tác với công ty Standard Telephones and Cables, ông đã chứng kiến sự phát triển của ngành vô tuyến điện từ một hệ thống cách tân thí nghiệm thành một phần của sinh hoạt thường nhật của thế kỷ hai mươi, và cuộc nổi dậy ngoạn mục của ngành điện tử đã làm cách mạng trong cách thức thực hiện nhiều điều.

Mối quan tâm của ông đến RADAS đã nảy sinh khi ông tiếp tục với SGA trong chức vụ Thư ký Truyền giáo của Hội Thánh ông, một Hội chúng Anh em trong làng Martok, ở South Somerset Anh quốc.

Dick Andrews đã tiếp xúc với Đức Chúa Trời mặt đối mặt vào tháng Năm 1980, chẳng bao lâu sau khi hoàn tất phần thứ hai của câu chuyện tự kể về tiểu sử của ông sau đây.

Hồi tôi học trung học bên Anh quốc, vị giáo sư người Pháp của tôi – một người nhiệt thành và rất giỏi về vô tuyến điện – mời tôi đến nghe chiếc máy thu thanh tự ráp lấy của ông. Việc ấy đã xảy ra trước khi Tổ hợp Phát thanh Anh quốc thành lập. Chúng tôi nghe một trong những chương trình truyền thanh sớm nhất từ tháp Eiffel ở Paris. Được trao ống nghe cho, tôi vô cùng kinh ngạc khi được nghe nhạc điệu xen lẫn nhiều tiếng lục cục của “Bài ca không Lời” của Mendelssolin.

Bấy giờ, tôi chỉ biết rất ít rằng rồi đây tôi sẽ phải nặng nợ với việc phát triển ngành vô tuyến điện. Tôi cũng không biết rằng hơn ba mươi năm sau, tôi sẽ nhận được một tiếng gọi của môt bạn đồng nghiệp trong Phòng thí nghiệm Đo đạc của công ty mà tôi đang làm việc; nơi tôi chứng kiến một biến cố lịch sử khác nữa. Lần này tôi kinh ngạc được nghe các buổi truyền thanh của vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik I, phóng ngày trước đó, khi nó bay ngang qua trên các hòn đảo của Anh quốc.

Ra đời tại Ấn Độ năm 1907 nhưng tôi được gởi sang Anh quốc lúc tôi hãy còn là một đứa trẻ, tôi đã chẳng thật sự biết rõ cha mẹ tôi cho đến khi các vị hồi hương mười ba năm sau đó. Tôi cũng biết rất ít về thế nào cuộc tái hợp của chúng tôi đã khiến cho cuộc đời tôi bị thay đổi rất nhiều.

Trước hết, tôi được gởi đến một trường học mới dạy rất giỏi về khoa học. Tôi thấy việc thay đổi này rất được hoan nghênh, vì tôi đã biết quan tâm đến khoa học. Nhưng thứ hai, và còn quan trọng hơn nữa, cha mẹ tôi đã quan tâm nhiều đến sự an vui phúc lợi thuộc linh của tôi cũng như đến việc giáo dục tôi. Mấy năm trước khi từ Ấn Độ hồi hương, các vị đã trở thành những Cơ Đốc nhân tận hiến. Chẳng bao lâu, tôi nhận thức được rằng các vị và các thành viên của Hội Thánh của các vị, có được điều mà tôi không có.

Vào những năm 1920, trong nhiều giới, người ta xem việc nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời là một thứ thời thượng. Họ bảo rằng khoa học cóthể giải thích mọi sự, ngay từ khi vũ trụ mới được bắt đầu! Tôi đã được dạy cho một triết lý như thế, và phải qua một thời gian tôi mới nhận thức được rằng, tuy các hiện tượng thuộc linh và khoa học choán hai lãnh vực khác nhau, chúng vẫn có liên hệ hài hoà với nhau. Khoa học có thể dạy cho chúng ta về quyền năng của Đức Chúa Trời và những điều kỳ diệu của vũ trụ, vì những điều đó đã hiển nhiên trong lãnh vực vật chất, nhưng nó chẳng có gì để nói về bản tính của Đức Chúa Trời cũng như về mối liên hệ giữa Ngài với loài người. Những việc này tập trung trong lãnh vực thuộc linh. Tôi nhận thức được rằng các Cơ Đốc nhân và các nhà khoa học đều đang tìm kiếm chân lý, và chẳng có người nào có điều gì phải sợ người kia.

Tôi khám phá ra rằng nhiều khoa học gia trên thế giới là người theo Chúa Cứu Thế, và nhận thấy tôi ít gặp khó khăn trong việc tin vào một Đấng Tối Cao. Khi nhìn vào mặt trời, mặt trăng, các hành tinh, và các ngôi sao và thấy tính cách đa dạng và sự luân chuyển trật tự của chúng, tôi chẳng còn có cách chọn lựa nào khác hơn là thừa nhận rằng tất cả đều phải do một quy luật nào đó bởi một Đấng Tối Cao tạo ra cai trị kiểm soát. Phải có một Đức Chúa Trời.

Tôi ngày càng cảm thấy bối rối: So với các thiên thể ấy thì con người là vô nghĩa biết bao! Thế thì tại sao Đức Chúa Trời lại quan tâm đến họ? Tại sao Ngài lại quan tâm đến tôi? Tôi nghĩ. Và rồi tôi phát giác ra câu này trong sách Thi 8:3-4 “Khi tôi nhìn xem các từng trời là công việc của ngón tay Chúa. Mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt. Loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm viếng nó?”

Tôi tin chắc rằng Đức Chúa Trời có quan tâm chăm sóc chúng ta. Nhưng cả đến nhận thức ấy cũng khiến tôi bồn chồn bất an. Hãy còn quá nhiều điều mà tôi không hiểu nổi.

Bước ngoặt cho cuộc đời tôi xảy ra khi tôi nghe câu chuyện được kể lại trong nhà thờ về thế nào, khi Chúa Giê-xu và các môn đệ Ngài đang đi thuyền để vượt Biển Ga-li-lê. Bấy giờ Chúa Giê-xu rất mỏi mệt, nên nằm ngủ. Trong khi Ngài ngủ, một trận bão lớn đã nổi lên. Do bị sóng dập gió dồi, các môn đệ của Chúa vô cùng sợ hãi – bất chấp sự kiện một vài người trong số các vị vốn là ngư dân và hiểu rõ về biển. Các vị đã đánh thức Chúa Giê-xu dậy, và vô cùng kinh ngạc khi thấy Ngài quở yên cơn bão (xem Mat 8:23-27).

Tôi biết rằng – theo nghĩa thuộc linh – tôi từng trải qua một cảnh đời đầy bão tố, chẳng biết tìm đâu để được hướng dẫn và trợ giúp. Và tôi bắt đầu nhận thức được rằng Đức Chúa Trời đã yêu mến và quan tâm chăm sóc tôi. Tôi từng thấy nhiều người khác quanh tôi – nhất là cha mẹ tôi – đã tin cậy Đức Chúa Trời và thấy thế nào Đức Chúa Trời đã biến đổi cuộc đời họ, ban cho họ sự bình an và hài lòng. Thật là một mặc khải cho tôi khi biết được rằng Chúa Giê-xu chính là Con Đức Chúa Trời, đã được sai đến Địa cầu để chứng minh quyền năng của Đức Chúa Trời – chẳng những trong thế giới tự nhiên, mà cả trong lãnh vực tâm linh nữa.

Tôi muốn được niềm vui, sự bình an và hài lòng mà tôi thấy nơi người khác. Nhưng làm thế nào để tôi có thể bắt liên lạc với Ngài, chạm được đến Ngài? Tôi đã giao lưu tiếp xúc được với những người ở cách xa nhiều ngàn dặm – thế tôi có thể giao lưu tiếp xúc với Đức Chúa Trời không? Ngài có tha cho tôi tội nghi ngờ của tôi không? Ngài có vui lòng tự bày tỏ mình ra cho tôi không?

Tôi quyết định thử thưa chuyện với Ngài. Lời cầu nguyện của tôi đã được nhậm. Tôi đã đến được với Đức Chúa Trời rồi! Tôi vô cùng tạ ơn Ngài vì cớ sự cứu rỗi lớn lao của Ngài!

Trong thời gian học cao đẳng, tôi được khích lệ rất nhiều khi gặp các nhà khoa học bạn – quý vị giáo sư, kỹ sư và sinh viên – là các Cơ Đốc nhân. Và sau này, khi nhìn lại cả cuộc đời mình, tôi có thể thành thật nói rằng Đức Chúa Trời đã chẳng bao giờ quên tôi. Lẽ dĩ nhiên, cách thức Ngài hướng dẫn tôi và sắp xếp mọi sự việc đều không thiếu điều diệu kỳ. Tuy không phải Ngài luôn luôn đặt kế hoạch theo như cách chính tôi lựa chọn về sau, tôi vẫn luôn luôn nhận thức được rằng các đường lối của Ngài đều thật phải lẽ và là tốt nhất.

Sau gần bảy năm hồi hưu hạnh phúc và bận rộn, tôi từng trải được điều có vẻ như là tình trạng quay trở lại phần nào với sức khoẻ tốt bình thường. Do bị sụt cân dột ngột, tôi đã đến với bác sĩ và ông khuyên tôi nên đi chiếu X quang. Nhưng xét nghiệm này cho thấy chẳng có rối loạn gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông bác sĩ khuyên tôi nên đến với một nhà chuyên môn.

Đến lượt ông ta, chuyên gia này bảo tôi phải thực hiện thêm nhiều xét nghiệm chi tiết hơn nữa, và cuối cùng gợi ý một cuộc phẫu thuật thăm dò. Ông ta không giấu mối bận tâm, cũng không che đậy nguy cơ của biện pháp này, ông nói rõ ràng rằng ông sợ tôi bị ung thư. Tuy nhiên, do nhà tôi nói với tôi đều sẵn sàng chờ đợi mọi điều có thể xảy ra, chúng tôi ý thức được một sự bình an hoàn toàn trong tâm trí và tin cậy vào Đức Chúa Trời, bất chấp nỗi sợ hãi tự nhiên.

Cuộc giải phẫu được thực hiện. Sự việc quả đúng như nỗi sợ của nhà chuyên môn. Chứng ung thư đã lan sang nhiều cơ quan. Bây giờ thì chẳng còn có cách chữa trị nào cho lành hẳn nữa.

Về nhà, một lần nữa, tôi và nhà tôi đã lâm vào hoàn cảnh là phải khóc lóc thật nhiều. Chúng tôi đã vui hưởng gần ba mươi sáu năm cuộc đời lứa đôi hạnh phúc vượt bậc. Ý nghĩ phải xa nhau có vẻ như khó có thể chịu đựng nổi. Thế nhưng chúng tôi vẫn có thể khích lệ lẫn nhau bằng cách nhắc nhở cho nhau các lời hứa của Đức Chúa Trời. Ngài sẽ là nơi ẩn náu cho chúng ta trong ngày hoạn nạn, và là nguồn sức lực của chúng ta. Cho nên chúng tôi đã hướng về Ngài như Đấng duy nhất có thể đáp ứng nhu cầu quan trọng nhất của chúng tôi.

Đây quả thật là thời gian để thử thách đức tin vào Đức Chúa Trời của tôi. Mọi việc này giúp gì được cho tôi trong hoàn cảnh hiện tại? Nhiều câu hỏi đã hãm áp tôi, dường như kẻ thù đang tấn công tôi bằng cả một trận mưa tên vậy.

Tại sao tôi lại bị ung thư?

Tại sao Đức Chúa Trời lại không chữa lành cho tôi, nếu quả thật Ngài là Đức Chúa Trời?

Đức Chúa Trời là Đấng yêu mến tôi bây giờ ở đâu?

Đức Chúa Trời có quan tâm đủ đến tôi và gia đình tôi trong cơn đau buồn này không?

Tôi đã đứng vững được trước cuộc tấn công và thắng trận vì ba lý do. Một là tôi nhớ lại nhiều lần, Đức Chúa Trời đã giúp đỡ tôi khi gặp khó khăn. Hai là, tôi đọc thấy trong Lời Đức Chúa Trời, là Thánh Kinh, những lời trấn an như Es 43:2a “Khi ngươi vượt qua các dòng nước, ta sẽ ở cùng, khi ngươi lội qua sông sẽ chẳng che lấp”; Mat 28:20b “Và này, ta thường ở cùng ngươi luôn cho đến tận thế”; Gios 1:5b “ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu”. Ba là Đức Thánh linh, Đấng Đức Chúa Trời ban cho để ngự vào lòng những người tin Chúa Cứu Thế Giê-xu, đã giữ cho lòng và trí tôi được bình an.

Là một người tốt nghiệp đại học về Khoa học, tôi đã nắm trong tay quyền chỉ huy nhiều kiến thức về những điều kỳ diệu mà khoa học đã thực hiện được. Tôi đã chiêm ngưỡng và tán thưởng chúng, nhưng trong cơn khủng hoảng này, tôi nhận thấy cái lô-gic lạnh lùng của chúng chẳng đem đến được cho tôi sự an ủi nào cả. Tuy chắc chắn là tôi rất biết ơn về các bức thư của các đồng nghiệp cũ đã gởi đến để bày tỏ lòng ưu ái của họ, tôi chỉ được rất ít sự trợ giúp từ những người chẳng đem đến chút hi vọng nào về một cuộc đời đằng sau cái chết.

Trái lại, các bạn thân tin Chúa Cứu Thế của tôi đã nhắc nhở tôi về việc các Cơ Đốc nhân, chắc chắn sẽ được sự sống vĩnh hằng, và củng cố đức tin cho tôi bằng các chủ đích đầy tình yêu của Đức Chúa Trời, và khi gặp nghịch cảnh. Nhiều người đề cập các lời hứa mà bản thân họ đã nhận được từ Lời Đức Chúa Trời. Chúng tôi đặc biệt cảm động về mấy lời ngắn ngủi của một bà bạn có chồng vừa mới qua đời; bà đã trích dẫn “Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi” (Es 40:31)

Một câu khác cho chúng tôi lời hứa này “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Ro 8:28). Từ nhiều nơi trên thế giới, tôi được tin nhiều lời cầu nguyện đã được dâng lên vì tôi.

Về phương diện thực tế, thì tất cả những lời cầu nguyện ấy thực hiện được gì? Nó không bảo đảm cho một phép lạ chữa bệnh: căn bệnh vẫn tiếp tục đường đi của nó qua thân thể tôi. Nhưng tôi tạ ơn Đức Chúa Trời vì sự trợ giúp của thuốc men, nhờ đó sự đau đớn được giảm bớt và tôi có thể ngủ ngon về đêm. Tôi cũng tạ ơn Đức Chúa Trời vì sợ trợ cấp, nâng đỡ của gia đình tôi. Con gái tôi làm việc bên Mỹ đã trở về để chăm nom săn sóc tôi. Con trai tôi và gia đình đã đến thăm tôi khi có thể được.

Bất cứ ai bị loại bệnh này đều biết xu hướng của con bệnh là nóng nảy, nhạy giận, và suy sụp tinh thần. Trong các lãnh vực đó của tâm trí và tâm linh, thuốc men chỉ có thể giúp đỡ rất ít mà thôi, nhưng lời cầu nguyện của rất đông đảo bạn bè đã đem câu trả lời của Đức Chúa Trời đến cho tôi. Tôi nhận thấy tôi có thể kiên nhẫn – thậm chí vui vẻ, với tâm trí được an nghỉ – vì ý thức được có sự hiện diện của Đức Chúa Trời bên cạnh mình. Dường như các láng giềng và nhiều người khác đến thăm tôi đều ngạc nhiên về tinh thần yên tịnh và vui vẻ, hạnh phúc của tôi.

Khoảng ba tháng sau lần giải phẫu thăm dò, tôi vẫn còn có thể đứng lên, mặc quần áo, và dành nhiều thì giờ ngồi trong ghế bành. Mỗi ngày tôi dành ít thì giờ đọc Thánh Kinh, mà quả thật là đúng như lời hứa của Đức Chúa Trời, đã trở thành sống động càng hơn cho tôi khi Đức Thánh Linh mở tâm trí tôi ra cho chân lý của bộ sách ấy. Tôi cảm thấy mình như người thợ mỏ, khai thác báu vật từ một hầm mỏ. Hễ thân thể tôi ngày càng suy yếu, và tôi lại càng không thấy ngon, thì tôi càng thiết tha trông mong nhiều hơn về cái quê hương đời đời mà Chúa đã hứa, nơi tội lỗi và sự đau đớn vắng bóng vĩnh viễn, và những ngày vô cùng vô tận sẽ được sống với những lời ca ngợi tán tụng vui vẻ và phục vụ Ngài.

Trong giai đoạn ấy, mong ước quan trọng nhất của tôi là được nói với nhiều người khác về những gì Đức Chúa Trời đã làm cho tôi, nhất là trong việc đánh tan những hoài nghi và sợ hãi của tôi. Tôi nhớ là nhiều năm trước đây, tôi từng nghĩ rằng: “Nếu bị một căn bệnh tàn bạo đánh gục, thì mình sẽ còn đặt đức tin vào Đức Chúa Trời nữa hay không?” Bây giờ thì sự việc ấy đã xảy ra cho tôi rồi, tôi lại càng tin chắc chắn hơn vào tình yêu và sự thành tín của Đức Chúa Trời! Tôi xin khuyên những ai đọc được lời làm chứng này. Hãy đặt lòng tin cậy của bạn trọn vẹn vào Chúa Giê-xu, Đấng đã chịu chết và đã sống lại. Ngài, và chỉ có một mình Ngài mà thôi, mới có quyền ban sự sống đời đời cho tất cả những ai tin cậy Ngài. Cũng như tôi, bạn “Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em” (IPhi 5:7).

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 131 Quốc Gia

We have 1720 guests and no members online

Your Language