Huấn Luyện Người Lãnh Đạo Hội Thánh

002. A1Năm Nguyên Tắc Được Ban Cho Môi-se

A1 - NĂM NGUYÊN TẮC ĐƯỢC BAN CHO MÔI-SE

1. Huấn Luyện Những Người Khác Để Họ Biết Giúp Đỡ

‘Tôi không thể một mình gánh hết dân sự nầy, vì thật là rất nặng nề cho tôi quá! Nếu Chúa đãi tôi như vậy, và nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin thà giết tôi đi, để tôi không thấy sự khốn nạn tôi.’ (Dân Số Ký 11:14,15). Môise đã cầu xin Chúa giết ông bởi vì những hậu quả do chủ nghĩa giáo quyền gây ra. ...Ý niệm giáo quyền đã giết Môise. Chủ nghĩa ấy cũng sẽ giết bạn! Để giúp đỡ Môise giải quyết nan đề nầy, Đức Chúa Trời đã phán bảo cùng ông (Dân Số Ký 11:1- 35).

huanluyennguoilanhdao2 1210x739

Trong Xuất Êdíptôký 18:1-27, Giê Trô (ông gia Môi-se) cũng đã nói với Môi-se như vậy. Khi Môi-se nghe lời Đức Chúa Trời và Giê Trô thì đây là những gì ông khám phá được: Giải pháp cho nan đề của ông là bắt đầu huấn luyện những người khác để cộng tác với ‘Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy nhóm hiệp cho ta bảy mươi người trong bực trưởng lão Y-sơ-ra-ên, tức là những kẻ ngươi biết là trưởng lão và cai quản dân sự; (Dân Số Ký 11:16). ‘Nhưng hãy chọn lấy trong vòng dân sự mấy người tài năng, kính sợ Đức Chúa Trời, chân thật, ghét sự tham lợi, mà lập lên trên dân sự, làm trưởng cai trị hoặc ngàn người, hoặc trăm người, hoặc năm mươi người hoặc mười người đặng đoán xét dân sự hàng ngày với ngươi...' (Xuất Êdíptôký 18:21,22). Những câu Kinh Thánh sau đây dạy chúng ta rằng những người có ân tứ lãnh đạo được ban cho Hội thánh để huấn luyện những chi thể làm công việc của chức dịch. Đây là mục đích của chức vụ Môi-se. Thế nhưng ông không biết điều đó. Công việc của người lãnh đạo là huấn luyện và trang bị cho các thuộc viên của Hội Thánh, là người có tiềm năng lãnh đạo, để họ có thể làm tốt công tác chức vụ. ‘Khi Đức Chúa Jesus ngự về trời... thì Ngài đã ban cho người nầy làm Sứ đồ, kẻ kia làm Tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm Mục sư và Giáo sư; để các Thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể của Đấng Christ...’ (Êphêsô 4:10-12).


a. Mỗi Người Dạy Một Người

Trong những câu Kinh Thánh trên đây, Phao Lô dạy rằng công tác đầu tiên của một người lãnh đạo Hội Thánh là huấn luyện những người khác. Phao Lô đã giải thích điều này cho thanh niên Timôthê. Là một người lãnh đạo Hội Thánh, công việc của ông là huấn luyện những người khác. Timôthê phải đem những sự huấn luyện đã nhận lãnh từ Phao Lô và chuyển giao qua những người trung tín khác nữa. Sau đó những người này cũng phải dạy dỗ những người trung tín khác nữa. ‘Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt những người chứng, hãy giao phó cho những người trung thành cũng có tài dạy dỗ kẻ khác‘ (II Timôthê 2:2). Làm theo những nguyên tắc huấn luyện người khác của Phao lô sẽ tạo ra một phản ứng dây chuyền cấp số nhân khiến Tin lành được truyền bá cách nhanh chóng trên toàn thế giới. Biểu đồ sau đây cho thấy điều gì sẽ xảy ra nếu bạn để ra MỘT năm huấn luyện MỘT người trung tín khác. Vào năm thứ hai bạn và người được bạn huấn luyện, mỗi người sẽ huấn luyện một người khác. Nếu bạn cứ giữ tiến trình này liên tục trong ba mươi ba năm, hãy nhìn điều gì sẽ xảy ra. Điều này minh họa nguyên tắc ”MỖI NGƯỜI DẠY MỘT NGƯỜI” của Kinh Thánh. Nếu mỗi người dạy một người thì vào cuối năm thứ ba mươi ba, số người được huấn luyện sẽ đông hơn số dân trên toàn thế giới. Nếu chúng ta thực hiện theo cách của Kinh Thánh, chúng ta sẽ kinh nghiệm được những kết quả của Kinh Thánh. ‘Có đoàn dân đông cùng đi với Đức Chúa Jesus... Và số người tin Chúa càng ngày càng thêm lên, nam nữ đều đông lắm. (Luca14:25; Công Vụ Các Sứ Đồ 5:14). Đây là ý muốn của Đức Chúa Trời, vì vô số đám đông người đã tin theo Chúa Jesus. ‘Sự ấy đoạn, tôi nhìn xem, thấy vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng...’ (Khải Huyền 7:9). Vâng! Chúa muốn nhiều người được cứu. ‘Ngài không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.’ (II Phierơ 3:9). Ngài đã ban cho chúng ta những nguyên tắc để bảo đảm thành quả này.

MỖI NGƯỜI - DẠY MỘT NGƯỜI!

b. Trái Thường Đậu Luôn

Vào năm 1959, tác giả đang thi hành chức vụ tại Nicaragua thuộc miền Trung Mỹ. Ông đặt một câu hỏi cho một vị lãnh đạo đầy kinh nghiệm và khôn ngoan của một Hội Thánh: ‘Làm sao ông có thể mở mang năm trăm Hội Thánh ở Trung Mỹ trong vòng ba mươi năm. Để trả lời ông kể câu chuyện sau: ”Là một giáo sĩ, năm 1929 tôi đã đi đến Guatemala. Ngay lập tức tôi khởi sự thăm viếng những làng mạc, nơi chưa có tín hữu nào được sanh lại. Tôi đã rao giảng, chữa bịnh trong suốt sáu đêm. Mỗi đêm tôi đã mời những tội nhân đến để tiếp nhận sự tha thứ của Chúa Jesus. Mỗi đêm đều có nhiều người tham dự. “Tôi đã làm phép báp tem cho họ bằng nước và tiếp tục đến những làng kế cận, lặp lại cùng một tiến trình như vậy. Tôi nghĩ rằng tôi đã chinh phục hằng trăm linh hồn cho Đấng Christ mỗi tuần. Đó là con số tôi đã làm báp tem. “Tôi viết thơ cho Hội Thánh quê nhà đã bảo trợ tôi và kể cho họ nghe về tất cả sự thành công của tôi. Thật là điều khó tin! Mỗi năm tôi đã chinh phục trên năm ngàn linh hồn cho Đấng Christ. “Sau hai năm và một trăm lần tổ chức những chiến dịch truyền giảng qua các làng, tôi đã quyết định trở lại thăm viếng các làng này một lần thứ hai. “Tôi đã đi đến làng thứ nhất và vô cùng kinh ngạc vì những người tin Chúa hết thảy đều đã ‘thối lui’. Họ đều quay lại với những tập tục ngoại giáo và không còn ai sống theo Kinh Thánh nữa. Không có buổi thờ phượng nào cũng không ai hướng dẫn, dạy dỗ cho những người mới tin. Tất cả những người tôi đã giao trách nhiệm cũng không còn theo Chúa nữa. “Tôi đi đến làng thứ hai, thứ ba, thứ tư và thứ năm, tất cả đều xảy ra y như vậy. Lòng tôi tan vỡ. Những gì tôi tưởng là thành quả của hai năm chức vụ thành công thậm chí không đã không sản sinh ra được một trái thường đậu lại.
“Những lời của Chúa Jêsus vang động trong tai tôi: “Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn và lập các ngươi, hầu cho các ngươi đi và kết nhiều quả và trái các ngươi thường đậu luôn.” (Giăng 15:16) “không có một kết quả nào còn đậu lại qua công lao khó nhọc của tôi. Tôi phải làm gì? Tôi để lòng kiêng ăn và cầu nguyện tìm kiếm ý muốn Chúa. Lúc đó Chúa phán rõ ràng cùng tôi rằng: ‘Ta không sai con đi truyền giáo ở Trung Mỹ bởi sức một mình con. Ta sai con đi huấn luyện những người khác.’ “Chúa đã chỉ cho tôi thấy hai nguyên lý quan trọng. Thứ nhất: Huấn luyện những người khác để họ chịu trách nhiệm lãnh đạo! Thứ hai: Hãy làm việc nơi Đức Chúa Trời đang hành động!
“Tôi liền tổ chức một khóa huấn luyện Kinh Thánh sáu tháng. Khoảng năm mươi học sinh đến tham dự và hoàn tất khóa đầu tiên. “Một thời gian ngắn sau đó, tôi nghe những bản tin về phép lạ chữa bịnh đang xảy ra ở nhiều vùng trong rừng rậm. Những người ở đó đã thấy khải tượng về Chúa Jesus và do kết quả của sự chữa lành, nhiều người đã quay lại đầu phục Chúa. “Sau đó tôi nhớ lại rằng: ‘Hãy làm việc nơi Đức Chúa Trời đang hành động’. Lập tức tôi đem những người đã được huấn luyện đến vùng đó. Một mùa gặt hái lớn lao về những linh hồn đã xảy ra! Những nhân sự đã được huấn luyện bắt đầu thành lập Hội Thánh, chăm sóc và dạy dỗ những người mới tin. Điều đó sản sinh những ‘trái thường đậu luôn...’. “Tôi đã tuân theo hai nguyên tắc đó từ năm 1931: (1) Huấn luyện những người khác, và (2) Làm việc ở những nơi Đức Chúa Trời đang hành động. “Ngày nay chúng tôi có năm viện huấn luyện Kinh Thánh ngắn hạn, và trên một ngàn người đang được huấn luyện. Con số năm trăm Hội Thánh là kết quả của những người thanh niên Trung Mỹ mà chúng tôi đã huấn luyện. Họ đi đến những nơi mà chúng tôi nghe rằng Đức Chúa Trời đang hành động. Chúng tôi đã cùng làm việc với Đức Chúa Trời và đạt được những kết quả to lớn.” Vào năm 1989 (ba mươi năm sau khi tôi gặp vị giáo sĩ thân yêu đó lần đầu tiên) Phong trào Hội Thánh Trung Mỹ đã phát triển lên đến vài ngàn Hội Thánh.

c. Tìm Kiếm Những Lãnh Đạo

Đức Giê-hô-va phán cùng Môi se rằng: “Hãy nhóm hiệp cho ta bảy mươi người... tức là những kẻ ngươi biết là trưởng lão và cai quản dân sự...” (Dân sô ký 11:16). Nhiều khi chúng ta đã để phí nhiều thì giờ và nỗ lực để huấn luyện những người không có ân tứ lãnh đạo. Lời hướng dẫn của Chúa rất rõ ràng: “Hãy nhóm hiệp... bảy mươi người...tức là những kẻ ngươi biết là trưởng lão (lãnh đạo)...” Làm thế nào bạn có thể nhận ra một người lãnh đạo? Hãy quan sát xem có bao nhiêu người theo họ. Nếu không có ai theo thì người ấy không có ân tứ lãnh đạo. Khi bạn đi ra cánh đồng để dẫn đàn bò sữa năm mươi con về chuồng vắt sữa, bạn chỉ cần tìm ra ‘con đầu đàn’. Nếu bạn dẫn nó đến máng vắt sữa, những con còn lại sẽ đi theo. Đối với những người lãnh đạo con người cũng vậy. Bạn phải tìm ra người nam và người nữ có những người khác nghe theo và rồi huấn luyện họ. Đây là điều mà Đức Chúa Jesus đã làm. “Trong lúc đó, Đức Chúa Jesus đi lên núi để cầu nguyện, và thức thâu đêm để cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời. Đến sáng ngày sau, Ngài đòi môn đồ đến, chọn mười hai người, gọi là sứ đồ... Kế đó Ngài cùng môn đồ xuống...” (Luca 6:12,13,17). Chúa Jesus dành hầu hết thì giờ của Ngài để chuẩn bị cho mười hai sứ đồ tiếp tục chức vụ của Ngài, Ngài đã theo nguyên tắc huấn luyện những người khác, là những người sẽ huấn luyện những người khác nữa. Đó là chức vụ của những người lãnh đạo, tìm nhiều người lãnh đạo hơn và huấn luyện họ.

2. Dạy Họ Kinh Thánh

Chúng ta sẽ huấn luyện những người lãnh đạo Hội Thánh điều gì? “Hãy lấy mạng lịnh và luật pháp Ngài mà dạy họ...” (Xuất Ê díp tô ký 18:20) Những ai quen thuộc với các Thần Học Viện hoặc trường Kinh Thánh thì biết rõ rằng hầu hết các trường đều dạy mọi môn trừ Kinh Thánh. Đôi khi những trường Cao Học, Thần Học biến thành “Nghĩa trang”, là nơi hàng trăm đời sống tâm linh của những người lãnh đạo Hội Thánh có tiềm năng bị chôn vùi. Ađam và Eva đã được ban cho một sự lựa chọn cơ bản trong vườn Eden: ”...Giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác ” (Sáng Thế Ký 2:9). Ăn trái cây biết điều thiện và điều ác (kiến thức: Knowledge) sẽ sản sinh tội lỗi và sự chết. Mặc dầu đã biết lời cảnh cáo của Kinh Thánh, Hội Thánh vẫn cứ tiếp tục quay lại cây này trong những chương trình huấn luyện. Hậu quả là gì? Sứ đồ Phao Lô đã nói đơn giản như sau: “Sự hay biết sinh kiêu căng, còn sự yêu thương làm gương tốt” (I Côrinhtô 8:1). Chương trình huấn luyện nào không xem KINH THÁNH là quyển sách cho việc tham khảo tối ưu sẽ sản sinh những nhà lãnh đạo thiếu năng lực, không có sự sống tâm linh và kiêu ngạo, chỉ là những người sau khi tốt nghiệp làm cho Hội Thánh ngày càng nhỏ hơn. Điều gì không có sự sống thì không thể lớn lên và cũng sẽ không lớn lên. Cây biết điều thiện và điều ác chỉ sản sinh sự chết. “Đức Chúa Jesus đáp rằng: Các ngươi lầm vì không hiểu Kinh Thánh...” (Mathiơ 22:29). Kinh Thánh giữ chúng ta không lầm lỗi và ban sự sống cho chúng ta.”...xác thịt chẳng ích chi: Những lời ta phán cùng các ngươi đều là thần linh và sự sống.” (Giăng 6:36). Chính lời của Đức Chúa Cha và của Đức Chúa Con đã được chép trong Kinh Thánh đem lại sự sống cho chúng ta. “Phước thay cho những kẻ đã làm theo những mạng lịnh Ngài, đặng có phép đến gần cây sự sống...” (Khải Huyền 22:14).

a. Thành Đạt Trong Học Viện Không Phải Là Mục Đích

Những chương trình huấn luyện đặt nền tảng trên sự thành đạt về tri thức càng nhấn mạnh trên bằng cấp sẽ không sản sinh ra những lãnh đạo cần có để chinh phục những linh hồn tội nhân cho Đấng Christ hoặc xây dựng những Hội Thánh tăng trưởng. Càng nhấn mạnh vào học vị bao nhiêu, càng có ít khả năng lãnh đạo bấy nhiêu. Hãy dạy Kinh Thánh, huấn luyện những người lãnh đạo Hội Thánh bằng Kinh Thánh. Hãy dùng Kinh Thánh làm nền tảng cho chương trình huấn luyện của bạn. Người ta đã hỏi nhau về Chúa Jesus rằng: ”...Người này chưa từng học làm sao biết Kinh Thánh?” (Giăng 7:15). Người Giu-đa đã kinh ngạc vì sự hiểu biết của Chúa Jesus về Kinh Thánh bởi vì họ biết rằng Chúa Jesus đã không có một bằng cấp học viện nào để có thể được kể là một thành viên trong giới lãnh đạo tôn giáo hay trong chính quyền đời này. Từ đó chúng ta học được rằng, sự thành đạt về văn bằng học viện cao không phải là mục tiêu của sự huấn luyện. Sự hiểu biết về Kinh Thánh và quyền năng của Đức Chúa Trời mới là những gì người lãnh đạo Hội Thánh cần (Mathiơ 22:29).

b. Tìm Kiếm Những Người “Lãnh Đạo Nhân Công”

Những sứ đồ đầu tiên không được biết đến nhờ những thành đạt học viện của họ. “Khi chúng thấy sự dạn dĩ của Phierơ và Giăng, biết rõ rằng ấy là người dốt nát không học, thì đều lấy làm lạ; lại nhận biết hai người từng ở với Chúa Jesus” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13) Không một người nào trong các sứ đồ của Chúa Jesus tốt nghiệp từ Chủng viện thần học của người Sađusê hoặc Pharisi. Tiêu chuẩn Chúa Jesus đặt ra cho người lãnh đạo Hội Thánh là: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa của mình” (Luca 10:2). Một người lãnh đạo Hội Thánh có hiệu quả là người chứng tỏ mình biết làm việc siêng năng, chăm chỉ. Người ấy có những vết chai trên đôi bàn tay của mình. Người ấy đã học biết kỷ luật của sự lao động bền bỉ một cách đầy kết quả. Ngược lại, một người tốt nghiệp từ Chủng viện thần học thường kiêu ngạo, quá kiêu ngạo cho nên không thể làm việc được, lười biếng và không có kết quả. Những người như thế không xứng đáng làm đại diện cho Đấng đã rửa chơn cho những môn đồ mình. ”Vậy, nếu ta là Chúa là thầy, mà đã rửa chơn cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chơn lẫn cho nhau” (Giăng 13:14). Tìm được một người ”lãnh đạo nhân công” là bạn sẽ có một người lãnh đạo Hội Thánh có hiệu quả. Đó là lý do tại sao Chúa Jesus chọn những người đánh cá như Phierơ và Giăng, những người có nghề nghiệp như Mathiơ người thâu thuế và Luca một thầy thuốc. Họ là những người có kỷ năng thực tế và biết làm việc siêng năng. Những người như thế mới có thể học Kinh Thánh và trở thành những người lãnh đạo có kết quả.

3. Cho Họ Thấy Phải Làm Công Việc Nào

”...Chỉ cho họ biết con đường phải đi, và điều chi phải làm” (Xuất Ê díp tô ký 18:20). Luca đã bắt đầu sách Công vụ như thế này: ”...ta từng nói về mọi điều Chúa Jesus đã làm và dạy từ ban đầu” (Công 1:1).

a. Hãy Để Họ Dự Phần

Dạy họ trở thành những người lãnh đạo vẫn chưa đủ. Người huấn luyện phải ngay tức khắc để cho học viên dự phần trong việc THỰC HÀNH những gì ĐÃ HỌC! Nếu bạn dạy họ “chinh phục linh hồn”, hãy lập tức sai họ đi chinh phục linh hồn. Nếu bạn dạy họ chữa bệnh và đuổi quỉ, hãy lập tức đi ra làm điều này. Đây là điều Đức Chúa Jesus đã làm. “Đức Chúa Jesus gọi mười hai môn đồ đến, ban quyền phép trừ tà ma và chữa lành các tật bịnh. “Ấy đó là mười hai sứ đồ Đức Chúa Jesus sai đi và có truyền rằng “Nước thiên đàng gần rồi. Hãy chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung, và trừ các quỉ; các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không” (Mathiơ 8:1-34). “Đức Chúa Jesus nhóm họp mười hai sứ đồ, ban quyền năng phép tắc để trị quỉ, chữa bệnh. Rồi Ngài sai đi rao giảng về nước Đức Chúa Trời, cũng chữa lành kẻ có bịnh. Vậy các sứ đồ ra đi, từ làng này tới làng kia rao giảng Tin lành khắp nơi và chữa lành người có bệnh” (Luca 9:1,2,6). Kế đó, Chúa chọn bảy mươi môn đồ khác, sai từng đôi đi trước Ngài, đến các thành các chỗ mà chính Ngài sẽ đi. Ngài phán cùng môn đồ rằng: Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa của mình. Hãy đi, nầy ta sai các ngươi đi, khác nào như chiên con ở giữa bầy muôn sói. Hễ các ngươi vào nhà nào... hãy chữa kẻ bịnh ở đó, và nói với họ rằng: Nước Đức Chúa Trời đến gần các ngươi. Bảy mươi môn đồ trở về cách vui vẻ, thưa rằng: Lạy Chúa, vì danh Chúa các quỉ cũng phục chúng tôi. Đức Chúa Jesus bèn phán rằng, Ta đã thấy quỉ Satan từ trời sa xuống như chớp. Nầy, ta đã ban quyền cho các ngươi giày đạp rắn, bò cạp, và mọi quyền của kẻ nghịch dưới chân; không gì làm hại các ngươi được. Cũng giờ đó, Đức Chúa Jêsus nức lòng bởi Đức Thánh Linh, bèn nói rằng: Lạy Cha, là Chúa trời đất, tôi ngợi khen cha, vì Cha đã giấu những sự này với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho trẻ nhỏ hay! Thưa Cha, phải, thật như vậy, vì Cha đã thấy điều đó là tốt lành.” (trích đoạn từ Luca 1:1-21:38).

b. Những Khóa Huấn Luyện Đoản Kỳ Là Tốt Nhất

Hãy lưu ý đến khóa huấn luyện ngắn hạn cho mười hai sứ đồ và bảy mươi môn đồ mà Đức Chúa Jesus đã thực hiện. Ngài đã minh họa những điều họ phải làm rồi sai họ đi làm những điều Ngài đã dạy. “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, sẽ làm việc ta làm, lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì ta đi về cùng Cha” (Giăng 14:12). Chương trình huấn luyện càng dài, các học sinh tốt nghiệp càng kém hiệu quả. Thời gian huấn luyện tối đa là sáu tháng, sau đó các người đã được huấn luyện phải được sai đi trọn thời gian để làm công việc. Nếu cần hãy đem họ về huấn luyện thêm trong một hoặc hai năm nữa.
c. Hãy Đưa Vào Thực Tế Khóa huấn luyện đoản kỳ nên quân bình 50% DẠY và 50% THỰC HÀNH. Những gì đã dạy nên đem ra thực hành ngay. Đừng huấn luyện cái đầu, hãy huấn luyện đôi bàn tay. Hãy nhấn mạnh vào việc thực hành (huấn luyện thực tế). Tác giả đã để ra nhiều thì giờ trong ba mươi năm qua để đi đến trên một trăm quốc gia trên thế giới. Ông đã quan sát nhiều chương trình huấn luyện mang lại kết quả tốt, cũng như những chương trình không sản sinh kết quả (hoặc kết quả tiêu cực). Hội Thánh tại ba quốc gia đang thu hái những thành quả hết sức nổi bật là Triều Tiên, Chi Lê và Brazin. Những nguyên tắc trên đã được áp dụng ở những quốc gia này. Các Hội Thánh bùng nổ trong sự tăng trưởng và những người lãnh đạo rất thành công trong việc chinh phục hàng ngàn linh hồn cho Đấng Christ. Sự huấn luyện đặt Kinh Thánh làm trọng tâm, ngắn hạn và thực tế. Không nhấn mạnh vào học vị. Đặc điểm chung của chương trình huấn luyện tại ba quốc gia này đã nhấn mạnh đến lòng tận hiến, sự hứa nguyện kết ước với Đấng Christ, sự tinh sạch của tâm tánh và nhấn mạnh trên huấn luyện thực tế (làm ngay những gì được dạy dỗ). Đây là sự huấn luyện theo nền tảng Kinh Thánh và đã sinh ra những kết quả theo Kinh Thánh.

NĂM NGUYÊN TẮC ĐƯỢC BAN CHO MÔI-SE (Phần 2)

4. Chuyển Giao Sự Xức Dầu

“Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi- se rằng: Hãy nhóm hiệp cho ta bảy mươi người trong trưởng lão Ysơraên... Hãy dẫn các người đó đến hội mạc, đứng tại đó với ngươi. Đoạn... Ta sẽ lấy Thần cảm ngươi mà ban cho những người đó, để họ chịu gánh nặng về dân sự với ngươi, và ngươi không phải gánh một mình” (Dân Sô Ký 11:16,17). 

a. Sự Xức Dầu Là Điều Thiết Yếu

Có lẽ đây là nguyên tắc quan trọng nhất (nhưng thường bị bỏ qua nhất) trong sự phát huy người lãnh đạo. Không có quyền năng của Đức Thánh Linh (sự xức dầu), người đó sẽ không có cơ hội thành công. Đức Chúa Jesus không bao giờ sai một người đi làm đại diện cho Ngài mà trước nhất không ban quyền năng cho họ. “Đức Chúa Jesus nhóm họp mười hai sứ đồ, ban quyền năng phép tắc để trị quỉ chữa bịnh” (Luca 9:1) “Kế đó Chúa chọn bảy mươi môn đồ khác... Ngài bèn phán rằng... Nầy ta ban cho các ngươi quyền giày đạp rắn, bò cạp và quyền của mọi kẻ nghịch dưới chơn không gì làm hại các ngươi được“ (Luca 18:1-19:48). “Lúc ở với các sứ đồ, Ngài dặn rằng đừng ra khỏi thành Giêrusalem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa là điều các ngươi đã nghe ta nói. Vì Giăng đã làm phép báptem bằng nước, nhưng trong ít ngày, các ngươi sẽ chịu phép báptem bằng Đức Thánh Linh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:4,5) “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép và làm chứng về Ta tại thành Gierusalem, cả xứ Giuđê, xứ Samari cho đến cùng trái đất” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8) Cho đến khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời giáng trên Ngài khi Ngài chịu Giăng làm phép báptem ở sông giô-đanh, lúc ấy Chúa Jêsus mới bắt đầu chức vụ. (Xem Mathiơ 3:16; Mác 1:10; Giăng 1:32). Chúa Jesus đã bắt đầu chức vụ của Ngài bằng câu nói: “Thần của Chúa ngự trên ta, vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo. Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do; và để đồn ra năm lành của Chúa” (Luca 4:18,19). Sự xức dầu là điều rất cần thiết để Chúa Jesus hoàn thành sứ mạng của Ngài (như đã trưng dẫn ở những câu Kinh Thánh trên). Sự xức dầu ấy cũng cần thiết cho bạn y như vậy. Chúa Jesus đã ra lịnh cho các môn đồ của Ngài rằng họ phải ”Chịu báptem bằng Đức Thánh Linh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:5) và thánh Phao Lô cũng đã dạy rằng ”...đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng, nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Êphêsô 5:18). Hãy xem phần Nguyên tắc huấn luyện những người lãnh đạo liên quan đến “sự báptem bằng Thánh Linh” để có thêm nhiều sự dạy dỗ cho chủ đề rất quan trọng này.

b. Những Người Lãnh Đạo Đã Được Xức Dầu Phải Huấn Luyện Những Người Khác

Chúng ta đừng bỏ qua những nguyên tắc sống còn liên quan đến những khúc Kinh Thánh trên. Đó là những người lãnh đạo được xức dầu, cũng sẽ chuyển giao sự xức dầu của mình trên những người mà mình huấn luyện. Trái với điều này, tác giả đã nhận thấy rằng thông thường ban Giáo sư của những Viện thần học là những người đã thất bại trong chức vụ. Đó là những người đã ra Hội Thánh hoặc đi truyền giáo và đã thất bại rồi được đem về để huấn luyện cho những người có tiềm năng lãnh đạo. Phương pháp như thế chỉ sản sinh thêm những người thất bại mà thôi.
Nguyên tắc kết quả rất rõ ràng trong Kinh Thánh: “Đất sinh cây cỏ, cỏ kết hạt tùy theo loại, cây kết quả có hột trong mình tùy theo loại... “Đức Chúa Trời dựng nên các loài cá lớn, các vật sống hay động nhờ nước mà sinh nhiều ra, tùy theo loại” (Sáng Thế Ký 1:12, 21). Chúng ta chỉ sản sinh lại chính mình. Nếu những người lãnh đạo đã thất bại lại làm công tác huấn luyện, thì những học sinh của họ cũng sẽ là những người thất bại. Những người lãnh đạo thành công, những người được Đức Thánh Linh xức dầu mạnh mẽ trên đời sống họ, cần được đưa vào công tác huấn luyện những người lãnh đạo. Họ sẽ sản sinh những người khác cũng mang sự xức dầu mạnh mẽ như vậy và được thành công. Điều này đúng với những người mà Môi-se đã huấn luyện, Đức Chúa Trời phán, ”...Ta sẽ lấy thần cảm ngươi mà ban cho những người đó...” (Dân Số Ký 11:17).
Điều này cũng đúng với Êli và Êlisê “Êli nói với Êlisê: Hãy xin điều chi ngươi muốn ta làm cho ngươi, trước khi ta được cất lên khỏi ngươi. Êlisê thưa rằng: Nguyền xin thần của thầy cảm động tôi bội phần. Êli nói với người rằng: Ngươi cầu xin một sự khó nhưng nếu ngươi thấy lúc ta được cất lên khỏi ngươi, ắt sẽ được như lời... “Hai người cứ đi... kìa, có một cái xe lửa và ngựa lửa phân rẽ hai người; Êli lên trời trong một cơn gió lốc. “Êlisê nhìn thấy bèn la lên rằng: cha tôi ôi! cha tôi ôi! là xe và lính kỵ của Ysơraên... “Êlisê bèn nắm cái áo tơi đã ở nơi mình Êli rơi xuống, trở về, đứng lại trên mé sông Giôđanh... đập nước và nói rằng: GiêHôva Đức Chúa Trời của Êli ở đâu? Khi người đã đập nước rồi, nước bèn rẽ ra hai bên và Êlisê đi ngang qua. “Khi các môn đồ của những tiên tri ở Giêricô đối ngang Giôđanh thấy Êlisê, thì nói rằng: Thần (sự xức dầu) của Êli đổ trên Êlisê” (II Các Vua 2:9-15). Điều này cũng đúng với Chúa Jesus và các môn đệ của Ngài. “Đấng yên ủi... là Thánh Linh...” (Giăng 14:16) “Khi nào Đấng Yên Ủi sẽ đến, là Đấng ta sẽ bởi Cha sai xuống...” (Giăng 15:26). “Dầu vậy, ta nói thật cùng các ngươi: Ta đi là ích lợi cho các ngươi; vì nếu ta không đi, Đấng Yên Ủi sẽ không đến cùng các ngươi đâu; song nếu ta đi, Ta sẽ sai Ngài đến” (Giăng 16:7).

c. Chia Sẻ Sự Xức Dầu

Sự xức dầu chuyển giao từ Môi-se cho các trưởng lão là những người sẽ chia sẻ chức vụ của ông. Sự xức dầu chuyển giao từ Ê-li cho Ê-li-sê là người sẽ chia sẻ chức vụ của Ê-li. Sự xức dầu chuyển giao từ Chúa Jesus cho các môn đệ là những người sẽ chia sẻ với chức vụ của Ngài. Nguyên tắc đó cũng vẫn đứng vững cho ngày hôm nay. Người được huấn luyện chia sẻ sự xức dầu của người huấn luyện. Vì vậy, những người làm công tác huấn luyện phải là những người có quyền năng mạnh mẽ của Đức Chúa Trời trên đời sống họ. Nguyên tắc gieo gặt sẽ hành động. Họ sẽ sinh ra những loại người như họ. Tôi biết một nhà truyền giảng có kèm theo chức vụ chữa bịnh đầy quyền năng trên nhiều người tại châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh. Tôi nhận thấy rằng, trên hầu hết các quốc gia mà ông thi hành chức vụ, người thông dịch cho ông cũng có cùng sự xức dầu như người giáo sĩ này. Sau khi vị giáo sĩ đi nơi khác, người thông dịch cũng có tâm thần và quyền năng của vị giáo sĩ đó.

d. Ai Sẽ Chuyển Giao Sự Xức Dầu

Đức Chúa Trời phán: ”...Ta sẽ lấy thần cảm ngươi mà ban cho những người đó...” (Dân Số Ký 11:17). Điều này sẽ xảy ra dưới sự hướng dẫn và tể trị của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Đấng chọn những người được chuyển giao sự xức dầu và hướng dẫn những người lãnh đạo mấu chốt trong sự chuyển giao phước hạnh này. “Vả lại, không ai chiếm lấy chức trọng đó cho mình; phải được Đức Chúa Trời kêu gọi như Arôn ngày xưa” (Hêbơrơ 5:4). Sự chuyển giao này bởi sự kêu gọi thần hựu. Trong thời Hội Thánh đầu tiên, các môn đồ đã để nhiều thì giờ kiêng ăn cầu nguyện để Chúa có thể phán với họ (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:14; 13:1-3). Sau những lần như vậy Đức Thánh Linh đã đến. Sự xức dầu đã xảy ra. Những môn đồ đầy dẫy quyền phép của Đức Thánh Linh, ra đi hoàn thành chức vụ mình cách thành công. Chúng ta hãy bước lên phòng cao để cầu nguyện và tìm kiếm sự hiện diện của Đức Chúa Trời cho đến khi quyền năng của Đức Thánh Linh giáng xuống. Rồi chúng ta sẽ sẵn sàng đi ra để công bố và chứng minh sự phục sinh của Chúa Jesus. “Các sứ đồ lại lấy quyền phép rất lớn mà làm chứng về sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ; và hết thảy đều được phước lớn” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:33).

5. Chuyển Giao Gánh Nặng

“Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi- Se rằng: Hãy nhóm họp cho ta... trưởng lão Ysơraên... đứng tại đó với ngươi... để họ chịu gánh nặng về dân sự với ngươi...” (Dân Số Ký 11:16,17). Nếu bạn nhìn thấy một người đang hướng đến trách nhiệm, hãy khuyến khích người ấy. Nhưng nếu bạn nhìn thấy một người đang hướng đến quyền lực hãy canh chừng. Người đó sẽ gây tổn hại cho công việc của Đức Chúa Trời.

a. Lãnh Đạo Không Phải Là Làm Ông Chủ (Cai trị)

“Hãy nuôi bầy của Đức Chúa Trời... chẳng phải làm chúa làm vua trên cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, song để làm gương tốt cho cả bầy” (I Phierơ 5:2,3). Đức Chúa Trời dựng nên con người để thi hành quyền quản trị (cai trị) xem Sáng Thế Ký 1:26. Bởi đó trong lòng của mỗi người đều có ước muốn cai trị. Quản trị theo khuôn mẫu Kinh Thánh hoàn toàn khác với cách mà các bậc lãnh đạo trên thế gian thi hành quyền lực của họ. Vì vậy chúng ta cần phải hiểu rõ khuôn mẫu lãnh đạo theo Kinh Thánh. Đức Chúa Jesus đã sử dụng quyền quản trị của Ngài cách chánh đáng. ”...Ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài” (Giăng 8:29). Ngài dùng địa vị lãnh đạo để dạy dỗ, chúc phước, chữa bịnh, bẻ tan xiềng xích, đuổi quỉ tha tội và chữa lành những tấm lòng tan vỡ. (Xem Luca 4:18). Tất cả những điều này làm đẹp lòng Cha trên trời của Ngài. “Vì Con Người đã đến không phải để người ta hầu việc mình nhưng để hầu việc người ta và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mác 10:45). Chúa Jesus đã không thi hành quyền cai trị như một nhà độc tài. Ngài đã xem vai trò của Ngài là một bậc lãnh đạo như đầy tớ. Các môn đồ của Chúa Jesus đã không hiểu điều này. Họ nghĩ rằng quyền lãnh đạo có nghĩa là có một địa vị cao, mà qua đó họ sẽ nhận được sự ca ngợi và kính trọng. “Bấy giờ có mẹ của các con trai Xêbêđê cùng các con mình đến gần Đức Chúa Jesus, lạy Ngài đặng hỏi một chuyện. Ngài phán rằng: Ngươi muốn chi? Thưa rằng xin cho hai con trai tôi đây một đứa bên hữu Ngài, một đứa bên tả ở trong nước Ngài. Ngài phán rằng:...Các ngươi biết rằng vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền thế mà trị dân. Trong các ngươi thì không như vậy; trái lại kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu thì sẽ làm tôi mọi các ngươi. Ấy vậy Con Người đến không phải để người ta phục vụ mình song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mathiơ 20:20-28).
Chúa không muốn các môn đồ của Ngài cai trị TRÊN người khác. Ngài muốn họ phục vụ DƯỚI người khác, cúi xuống, rửa chơn cho người khác như một đầy tớ thấp hèn. “Nếu Ta là Chúa là thầy mà đã rửa chơn cho các ngươi thì các ngươi cũng nên rửa chơn lẫn cho nhau” (Giăng 13:14). Sứ đồ Phaolô đã khẳng định điều này trong các thư tín của ông. “Nhưng trong Đức Chúa Jesus Christ, anh em...đã được dựng nên trên nền của các sứ đồ, cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Jesus Christ là đá góc nhà” (Êphêsô 2:13,20). Điều này dạy dỗ chúng ta rằng quyền lãnh đạo (sứ đồ và tiên tri) là những chức vụ nền tảng trong Hội Thánh. Cái móng luôn luôn nằm dưới căn nhà, chịu đựng căn nhà, cái móng không bao giờ nằm trên ngôi nhà, hoặc ngôi nhà chịu đựng cái móng cả. “Đá góc nhà” là tảng đá quan trọng nhất của một kim tự tháp. Vị trí này chỉ dành cho một mình Chúa Jesus mà thôi. Chỉ một mình Ngài mới có đủ quyền để cai trị Hội Thánh trong vai trò “Đá góc nhà”.
Bất cứ người lãnh đạo Hội Thánh nào cố gắng chiếm lấy chỗ dành cho Chúa Jesus thì người đó đang ở trong hành động nguy hiểm của “Anti-Christ”. Trong Kinh Thánh Tân ước, từ ngữ “Anti Christ” trong tiếng Hy-Lạp không chỉ có nghĩa là “chống lại Christ” mà còn có nghĩa” Trong vị trí của Christ”. Tất cả những người được huấn luyện để làm lãnh đạo phải hiểu rõ nguyên tắc quan trọng này. Nhiều thế kỷ trước Chúa, dân Ysơraên đã muốn tôn Ghêđêôn làm vị cứu tinh của họ. Nhưng ông đã trả lời cách khôn ngoan rằng: “Ta sẽ chẳng làm vua cai trị các ngươi, con trai ta cũng không cai trị các ngươi đâu; Nhưng ĐẤNG CHỦ TỂ sẽ cai trị các ngươi” (Các Quan Xét 8:23).

1) Câu Chuyện Ngụ Ngôn Của GiôTham

Tôi khuyên các bạn hãy đọc câu chuyện ngụ ngôn của GiôTham (một người bà con của Ghêđêôn) được chép trong Các Quan Xét 9:7-21. Trong câu chuyện này, không một loại cây ăn trái hoặc loại dây leo nào chấp nhận lời đề nghị cai trị trên các cây khác. Chỉ có bụi gai là loại cây chẳng có kết quả gì, chấp nhận lời đề nghị này. Hãy lưu ý cây nho đã trả lời như thế nào: “Bấy giờ hết thảy cây cối nói cùng cây nho rằng: Hãy đến cai trị chúng tôi. Nhưng cây nho đáp: Ta há sẽ bỏ rượu ngon ta, là thứ làm cho vui Đức Chúa Trời và người ta, đặng đi xao động trên các cây cối ư? (Các Quan Xét 9:12, 13). Cây nho đã từ chối cai trị trên những cây khác. Chúa Jesus cũng đã có cùng thái độ đó. Ngài là cây nho thật và Ngài cũng đã từ chối làm vua. (xem Giăng 15:1) “Bấy giờ Chúa Jesus biết chúng có ý ép Ngài để tôn làm vua, bèn lui ở một mình trên núi” (Giăng 6:15). Phao lô cũng viết cho người Philíp rằng: ”...Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ. “Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người. “Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Vì vậy “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình.” (Philíp 2:3-8)

2) Gương của Phao lô

Phao lô đã không được tôn trọng, ca ngợi khi trở thành sứ đồ của Chúa Jesus. Ông đã mô tả vai trò lãnh đạo của ông như thế này: “Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chịu đói, khát, trần mình, bị người ta vả trên mặt, lưu lạc rày đây mai đó. “Chúng tôi dùng chính tay mình làm việc khó nhọc; khi bị rủa sả, chúng tôi chúc phước; khi bị bắt bớ, chúng tôi nhịn nhục; khi bị vu oan, chúng tôi khuyên dỗ; chúng tôi giống như rác rến của thế gian, cặn bã của loài người cho đến ngày nay.” “Tôi viết những điều này chẳng phải để làm cho anh em hổ thẹn đâu; nhưng để khuyên bảo anh em, cũng như con cái yêu dấu của tôi vậy” (I Côrinhtô 4:11-14). Hội Thánh Côrinhtô cũng như các bậc lãnh đạo của họ đã hiểu sai về vai trò của mình trong thế giới hiện tại. Họ đã nghĩ rằng họ giống như những nhà cai trị ngoài đời. (Xem I Côrinhtô 4:8). PhaoLô đã dùng những lời mỉa mai, khôi hài để sửa lại những ý niệm sai lầm nơi họ.

b. Người Lãnh Đạo Hội Thánh Là Người Mang Lấy Gánh Nặng

Kinh Thánh dùng con bò làm hình ảnh cho người lãnh đạo Hội Thánh. “Vì chưng có chép trong luật pháp Môise rằng: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa. Há phải Đức Chúa Trời lo cho bò sao? “Quả thật Ngài nói câu đó về chúng ta là những người lãnh đạo Hội Thánh phải không? Phải, ấy là nói về chúng ta mà có chép rằng...” (I Côrinhtô 9:9,10). Con bò được chọn để làm tiêu biểu cho người lãnh đạo Hội Thánh bởi sức chịu đựng bền bỉ của nó trong lao nhọc của mùa gặt. Sức chịu đựng bền bỉ và tính vị tha của con bò đã làm cho nó trở thành con vật đáng yêu mến và quí trọng nhất trong những con vật được dùng trong nông nghiệp. Vì thế, con bò là hình ảnh minh họa của người lãnh đạo Hội Thánh theo Kinh Thánh. Một người gánh vác trách nhiệm, người luôn vui lòng nhận trách nhiệm để người khác được no nê và thoải mái. Trong Kinh Thánh, tất cả những ai trung tín hoàn thành vai trò lãnh đạo của họ đều phải mang chịu nhiều gánh nặng như con bò. PhaoLô đã mô tả chức vụ của ông trong II Côrinhtô 11:23-29 bằng những từ gợi hình như vầy: ”...Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Đôi phen tôi gần phải bị chết; năm lần bị người Giuđa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. Nhiều lần tôi đi đường, nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối; chịu khó nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát; thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ. Còn chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội Thánh”. Chỉ có những người lãnh đạo chân thực của Hội Thánh muốn những gánh nặng này mà thôi, còn ngoài ra không có ai khác. Những người như vậy là những con bò của Đức Chúa Trời. Hãy đi tìm những người như vậy và huấn luyện họ cho chức vụ lãnh đạo. Hãy nghiên cứu những nguyên tắc của Kinh Thánh này trong việc huấn luyện lãnh đạo.”

...vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước (Giô-suê 1:8).

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 131 Quốc Gia

We have 6531 guests and no members online

Your Language