Huấn Luyện Người Lãnh Đạo Hội Thánh

006. A2Chương 3 Vâng Theo Tiếng Chúa

Chương 3 - A2.3 Vâng Theo Tiếng Chúa

A1 - LÀM THẾ NÀO ĐỂ HUẤN LUYỆN

“Như vậy đức tin đến bởi sự người ta nghe... lời (Rhema) của Đức Chúa Trời” (Rôma 10:17).

A. LỜI LOGOS VÀ LỜI RHEMA Có hai chữ Hylạp được dịch là “lời” trong Kinh Thánh tiếng việt đó là chữ “LOGOS” và “RHEMA”. Lời Logos thường là những ”lời” được viết lại. Lời Rhema thường là những lời sự sống hoặc lời ban sự sống.
(Chú thích của tác giả: Những ví dụ dưới đây không có nghĩa chính xác như cách dùng của từ Hylạp. Chúng được đưa ra như những ví dụ để minh họa ý kiến của tác giả đã nghiên cứu và giải thích mối liên hệ giữa lời Logos và lời Rhema.) Chúa Jesus phán: ”Có lời (Logos) chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời (Rhema) nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Mathiơ 4:4). Nói về người Bêrê: ”Những người này có ý hẳn hoi hơn người Têsalônica, đều sẵn sàng chịu lấy đạo (Rhema ), ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh (Logos) để xét xem lời giảng có thật chăng” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11). Những câu Kinh Thánh này minh họa mối liên kết giữa lời Logos và lời Rhema. Chúng luôn luôn đi cùng với nhau. Chúng ta phải biết Kinh Thánh (lời Logos) để xem xem lời (Rhema) mà chúng ta nghe có thật sự đến từ Đức Chúa Trời hay đến từ các thần khác. Đức Thánh Linh (Rhema) và Kinh Thánh (Logos) luôn luôn hòa hợp với nhau. Chúa Jesus phán với những người Pharisi: ”Các ngươi lầm vì không hiểu Kinh Thánh (Logos), và cũng không hiểu quyền phép Đức Chúa Trời (Rhema) là thế nào” (Mathiơ 22:29). Những người Pharisi trong thời Chúa Jesus đã không biết lời Logos cũng như lời Rhema. Nhiều người lãnh đạo Hội Thánh không biết Kinh Thánh cũng như quyền phép của Đức Chúa Trời. Những người lãnh đạo hay Hội Thánh như vậy sẽ khiến Đức Chúa Trời nhả họ ra (Khải Huyền 3:15). Những nhà lãnh đạo Hội Thánh khác biết Kinh Thánh nhưng lại không biết quyền phép Đức Chúa Trời, thường bị khô khan. Cũng có những người lãnh đạo Hội Thánh biết quyền phép của Đức Chúa Trời nhưng không biết Kinh Thánh, thường kiêu căng. Nhưng nếu bạn biết cả Kinh Thánh và quyền phép của Đức Chúa Trời - sẽ khiến cho bạn và Hội Thánh của bạn lớn lên.

1. Lời Rhema đến từ Đức Chúa Trời

Một lời Rhema thường là một sự truyền đạt từ Đức Chúa Trời để phát họa một chương trình hay ban quyền năng trong một hoàn cảnh đặc biệt. Khi chúng ta đọc Kinh Thánh và một câu Kinh Thánh nào đó đụng chạm đến chúng ta với quyền năng, tức là chúng ta đang nhận được một lời Rhema (lời sống) cho nhu cầu cá nhân của chúng ta. Khi chúng ta đang cầu nguyện cầu xin sự khôn ngoan hay sự trả lời của Đức Chúa Trời cho nan đề bế tắc của chúng ta, và bỗng nhiên Chúa phán trong lòng chúng ta cho biết cách giải quyết nan đề với những từ ngữ rất rõ ràng, đó là lời Rhema. Khi chúng ta đang thi hành chức vụ và bỗng nhiên được thúc dục phải làm một hành động đặc biệt nào đó mà mang lại kết quả phước hạnh, đó là lời Rhema. (Cẩn thận: Chúng ta không nên xem tất cả động cơ, sự thúc giục, cảm giác là lời Rhema. Không một lời Rhema nào lại trái với Kinh Thánh (Logos), là lời đời đời của Đức Chúa Trời). Nếu tôi bịnh tôi có thể mở Kinh Thánh và đọc: ”...Bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh“ (I Phierơ 2:23). Tôi được lời hứa là ý muốn của Đức Chúa Trời là chữa lành cho tôi. Tuy nhiên có thể tôi không được chữa lành khi tôi đọc câu Kinh Thánh đó.

a. Phierơ và Người Què

Người què, trong Công Vụ đoạn ba, đã nằm tại cổng đền thờ trong nhiều năm nhưng không được Chúa Jesus chữa lành khi Ngài đi ngang qua đó nhiều lần. Phierơ, vừa mới kinh nghiệm Lễ Ngũ Tuần cách cá nhân, đi lên đền thờ cầu nguyện, và khi người què xin ông của bố thí thì ông nhận được một lời Rhema. “Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: nhơn danh Đức Chúa Jesus Christ ở Naxarét hãy bước đi (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:6). Lập tức người què đứng lên, theo Phierơ vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy ngợi khen Đức Chúa Trời. Có lẽ người què này biết câu Kinh Thánh: ”Vì ta là Đức Giê-hô-va, Đấng chữa bịnh cho ngươi” (Xuất Ê díp tô ký 15:26). Tuy nhiên ông đã không được chữa lành cho đến khi Phierơ nghe tiếng Đức Chúa Trời và truyền lại lời ban sự sống (lời Rhema) cho ông. “Như vậy đức tin đến bởi sự người ta nghe... lời (Rhema) của Đức Chúa Trời” (Rôma 10:17). Khi Đức Chúa Trời phán với bạn - đức tin đến. Nếu bạn vâng theo những gì Đức Chúa Trời đã phán bảo, các phép lạ sẽ xảy ra cho bạn như chúng đã xảy ra trong thời Kinh Thánh.

b. Phép Lạ Tại Hebei

Khoảng 15 năm trước, khi tôi đang thi hành chức vụ tại Hebei với nhà truyền giáo D’Sousa, người Đài Loan. Ông mời tôi đi thăm một người bịnh phải nằm liệt giường. Khi chúng tôi đến nhà người bịnh và bắt đầu cầu nguyện cho anh ta, tôi cảm thấy Đức Thánh Linh đang ban cho tôi một sứ điệp cho anh ta. Tôi nói với anh ”nếu anh không ăn năn, anh sẽ chết”. Bỗng nhiên anh tan vỡ và khóc nức nở. Anh cầu nguyện và khóc lóc thảm thiết, chiếc giường nhỏ của anh bắt đầu rung rinh. Lời (Rhema) của Chúa lại đến với tôi “Hãy nắm tay anh ta và bảo anh ta đứng dậy bước đi trong danh Chúa Jesus.” Tôi nắm tay anh ta và bắt đầu kéo nhẹ anh ra khỏi giường. Anh ngồi dậy cách chậm chạp và đứng run rẩy trên đôi chân mình. Một chốc sau anh la lớn và nhảy khắp phòng. Anh đã được chữa lành cách kỳ diệu chỉ trong vài phút. Sau này tôi được biết anh là một tín đồ sa ngã, và trước khi tin Chúa, anh là một kẻ cướp nổi danh, đã từng giết nhiều người. Anh đã xa lánh Đức Chúa Trời, thối lui trong tội lỗi và mắc phải bịnh tim không sao chữa trị được và cả bịnh thận. Sức khỏe của anh rất xấu và bác sĩ căn dặn rằng không ai được di chuyển anh, bởi vì điều đó có thể giết chết anh. (Tôi rất vui vì đã không biết điều đó - có lẽ nếu biết tôi sẽ e ngại khi vâng lời Chúa). Đêm đó, anh đã làm chứng tại buổi truyền giáo. Bởi vì anh quá nổi tiếng trong cộng đồng nên khi nghe bài làm chứng của anh nhiều người trở lại tin Chúa và được chữa lành.

B. MỐI THÔNG CÔNG - KHÔNG PHẢI LÀ CÔNG THỨC

Chúng ta phải biết rằng lời ban sự sống của Đức Chúa Trời rất ít khi được ban cho theo hình thức tôn giáo hoặc công thức. Chúa Jesus đã chữa lành cho một người mù bằng cách trộn bùn vào nước miếng rồi bôi lên mắt người đó. Sau đó Ngài biểu anh ta đi đến rửa ở ao Silôê và được chữa lành. (Giăng 9:1-41). Nếu tôi cũng trộn bùn với nước miếng rồi bôi lên mắt người mù, thì điều mà họ sẽ nhận được chỉ là cặp mắt dính đầy bùn. Nhưng nếu Đức Chúa Trời bảo tôi làm như vậy (như Ngài đã bảo Chúa Jesus) thì người mù sẽ được chữa lành. Đây không phải là công thức nhưng là nghe tiếng Chúa và làm theo những gì Chúa phán. Vào dịp khác Chúa Jesus đã chữa cho người mù bằng cách khác (Mathiơ 9:29; Mác 10:52). Mối tương giao mật thiết với Cha trên trời của Chúa Jesus là bí quyết trong chức vụ của Ngài. Chúa Giêxu phán: ”...vì Ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài” (Giăng 8:29). Bởi vì lòng Chúa Jesus luôn luôn ngay thẳng trước mặt Cha trên trời, nên Ngài có thể nghe và vâng theo tiếng Cha mình cách dễ dàng. Chúa Jesus nói rõ hơn: ”Con chẳng tự mình làm nổi việc gì được; chỉ làm điều chi mà con thấy Cha làm; vì mọi điều Cha làm con cũng làm y như vậy” (Giăng 5:19).

1. Dành Thì Giờ với Đức Chúa Trời

Chúa Jesus biết Kinh Thánh! Ngài đã làm các thầy thông giáo bối rối bởi kiến thức về Kinh Thánh của mình lúc mười hai tuổi tại đền thờ. Nhưng bí quyết trong chức vụ của Ngài là sự nhạy bén với tiếng của Cha - làm điều gì Ngài thấy Cha làm và cũng làm y theo cách Cha làm. Khi Chúa Jesus cần phải nghe tiếng của Cha, Ngài đi biệt riêng thì giờ để cầu nguyện (đôi khi cùng với kiêng ăn). Bạn còn nhớ Chúa Jesus bắt đầu chức vụ bằng 40 ngày kiêng ăn cầu nguyện. Sau đó chúng ta thấy Ngài thường thức suốt đêm để cầu nguyện (cũng như trước khi Ngài chọn mười hai sứ đồ). Chúng ta cũng thấy Ngài rút khỏi đám đông đi vào đồng vắng cầu nguyện. Ngoài ra, một đời sống tận hiến sẽ đem đến sự nhạy bén trong việc nghe tiếng Chúa. Bạn có đang phát triển mối liên hệ của bạn với Cha trên trời bằng những thì giờ cầu nguyện và kiêng ăn không? Nếu không, bạn hãy thử đi và xem điều gì sẽ xảy ra. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên.

C. VẬT THẬT - KHÔNG PHẢI VẬT THAY THẾ

Tôi mong ước những buổi nhóm nhân sự hoặc những tài liệu huấn luyện đều nhấn mạnh việc dạy cho các học viên biết làm thế nào để nhận lãnh các ân tứ của Đức Thánh Linh và làm thế nào để nghe tiếng của Đức Chúa Trời trong chương trình dạy của họ.

1. Lời Của Đức Chúa Trời và Đức Thánh Linh, Chứ Không Phải Là Kiến Thức Suông

Cảm tạ Đức Chúa Trời vì những người như tiến sĩ John Wimber, tiến sĩ Peter Wagner và tiến sĩ Donald Mc Govern, là những tôi tớ dũng cảm của Đức Chúa Trời, là những người nổi bật trong lịch sử của đất nước chúng ta bởi vì họ đã thừa nhận tầm quan trọng của Đức Thánh Linh trong công tác truyền giáo và xây dựng Hội Thánh. Họ không giống với những người đồng thời của họ là những người chỉ nhấn mạnh trên triết lý, văn chương, lịch sử, tâm lý và nhiều môn khác thay vì Kinh Thánh. Những người này dạy cho những học viên của mình cách chuẩn bị cho trận chiến thuộc linh với Satan và các quỷ sứ của nó. Họ dạy cho các học viên cách chữa lành người bệnh như thế nào, đuổi quỷ và giảng Tin Lành kèm với phép lạ xác nhận cho lời của Đức Chúa Trời. Thay vì dạy cho học viên kiếm những bằng cấp thần học, họ gây dựng những con người nóng cháy với Đức Thánh Linh là những người có thể xua tan những ảnh hưởng của ma quỷ trên đất nước chúng ta. Chúng ta cần những người như Philíp, người đã đi xuống thành phố Samari để giảng về Đấng Christ. Kinh Thánh chép: ”đoàn dân nghe người giảng và thấy các phép lạ người làm, thì đồng lòng lắng tai nghe người nói; vì có những tà ma kêu lớn tiếng lên mà ra khỏi nhiều kẻ bị ám, cùng kẻ bại và kẻ được chữa lành cũng nhiều” (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:6,7). Sự huấn luyện của chúng ta phải sản sinh ra những người như Êtiên và Philip - là những người sẽ thách thức với quyền lực của sự tối tăm và đắc thắng. Và rồi chúng ta sẽ thấy ”Tin lành này về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất để làm chứng cho muôn dân” (Mathiơ 24:14).

2. Đức Tin - Không Phải Sự Kiêu Ngạo

Nếu chúng ta cứ tiếp tục thay thế kiến thức suông cho lời Rhema của Đức Chúa Trời, chúng ta đang có khuynh huớng thất bại. Một trong những điều nguy hiểm nhất của nền giáo dục cao là sản sinh ra những con người kiêu căng thay vì những con người đầy dẫy đức tin. Nói cách khác theo PhaoLô ”Sự hay biết sanh kiêu căng còn sự hy sinh làm gương tốt” (I Côrinhtô 8:1). Đừng để chúng ta thờ phượng kiến thức của trần gian, đừng đặt đức tin của chúng ta vào sự khôn ngoan trong tri thức và những kỹ thuật mà chỉ đem lại sự kiêu ngạo và không kết quả, thay thế cho quyền năng của Đức Chúa Trời trong đời sống và chức vụ của chúng ta. Hơn thế nữa chúng ta hãy khát khao trở thành những người nghe và làm theo lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy học cách nghe tiếng của Đức Chúa Trời.

Chương 3b VÂNG THEO TIẾNG CHÚA
D. SỨ ĐIỆP - KHÔNG PHẢI VỮA HỒ

Những người lãnh đạo Hội Thánh ở các nước phương tây che dấu sự thiếu kém quyền năng và khả năng nghe tiếng Chúa của họ bằng cách đầu tư hàng triệu đôla vào những ngôi nhà thờ tráng lệ và những thánh địa hào nhoáng. Họ nghĩ rằng điều này sẽ gây ấn tượng và hấp dẫn mọi người tin Chúa.... Khi bạn học lịch sử Hội Thánh, bạn sẽ thấy rằng Hội thánh càng sa ngã bao nhiêu thì những người lãnh đạo càng đầu tư vào những cấu trúc đồ sộ của nhà thờ bấy nhiêu và ít giúp đỡ mọi người cũng như rao giảng Tin Lành. Những kiến trúc này dường như chỉ phục vụ duy nhất một mục đích - đó là thỏa mãn sự kiêu căng của những người lãnh đạo và những thành viên giàu có trong Hội Thánh. Quan sát cách Hội Thánh hoạt động, bạn sẽ nghĩ rằng mạng lịnh sau chót của Chúa Jesus là “Hãy đi khắp thế gian và xây dựng nhiều ngôi giáo đường cho mọi người”. Ưu tiên hàng đầu của hầu hết các nhà lãnh đạo Hội Thánh là “xây dựng những ngôi nhà lớn hơn”.

1. Sự Ưu Tiên Của Đức Chúa Trời

Điều Chúa Jesus phán là: ”Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người” (Mác 16:15). Đức Chúa Trời đặt sự ưu tiên trên sứ điệp - chứ không phải trên vữa hồ (giáo đường). Người ta người không thể không đối chiếu hành động của những người lãnh đạo Hội Thánh với Chúa chúng ta. Ngài đã chọn chuồng chiên làm nơi sanh ra, sống như một thành viên trong một gia đình thợ mộc nghèo khổ ở Naxarét, và cho chúng ta biết rằng Ngài đã đến để giảng Tin Lành cho người nghèo. Ngài không có nơi gối đầu trong những năm thi hành chức vụ. Khi chết Ngài được liệm trong tấm vải liệm mượn của người khác. Thân thể Ngài được đặt trong ngôi mộ mượn của người khác trong suốt những giờ chinh phục sự chết địa ngục và mồ mả. Ngài đã trở nên nghèo vì cớ chúng ta. Kể từ đó những người lãnh đạo Hội Thánh nhận được quyền phép để phung phí tài nguyên của Hội Thánh vào những ngôi giáo đường sặc sỡ và những vùng đất thánh lộng lẫy, trong khi hơn hai tỉ người đang chờ nghe Tin Lành?. Không có sách vở nào ghi lại sự bành trướng của những ngôi giáo đường mãi cho đến thế kỷ thứ ba khi Hoàng Đế La mã Constantin, là “Cơ Đốc Nhân” đầu tiên nhập Hội Thánh vào chính trị. Ảnh hưởng của Constantin là một tai họa và có hại về mặt thuộc linh cho Hội Thánh. Một khi nhà thờ trở nên được tôn trọng và giàu có, Hội Thánh sẽ mất quyền năng của Đức Chúa Trời. Một Hội Thánh sống - rao giảng sự sống và phước hạnh khắp mọi nơi - nay trở thành một Hội Thánh chết, thiếu hụt Lời và quyền năng của Đức Chúa Trời. Phaolô cảnh cáo chúng ta: ”Những kẻ như thế con hãy tránh xa” (II Timôthê 3:5).

2. Hội Thánh Tại Trung Quốc: Một Ví Dụ

Trung Quốc đưa ra một bài học thú vị cho điều gì có thể xảy ra khi Hội Thánh được giải thoát khỏi sự say mê những ngôi giáo đường và trang điểm cho nhà thờ. Từ trước những thay đổi vào năm 1950 Đức Chúa Trời đã dấy lên những công tác tại bản xứ mà bởi đó có thể nhận ra cánh tay của Đức Chúa Trời trên Trung Quốc và văn hóa của họ. Không dựa vào những phương pháp của các nước phương tây, họ bắt đầu nhận thấy nhiều phương diện của nền văn hóa Trung Quốc hòa hợp với Kinh Thánh như điểm mạnh và cơ cấu của những gia đình Trung Quốc cũng như sự quan trọng của nó được xem là một nơi để thờ phượng. Nhờ vậy, bắt đầu các tín hữu gặp nhau ở nhà để thờ phượng và cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời như những thành viên trong gia đình. Bây giờ chúng ta có thể hiểu tại sao sau những thay đổi vào năm 1950 (Khi tất cả những giáo sĩ phương tây bị buộc phải rời Trung Quốc) hàng triệu anh chị em trên khắp miền đất nước đã tìm thấy được đời sống thuộc linh phong phú không phải bởi ngôi giáo đường theo kiểu mẫu phương tây nhưng bởi mạng lưới Hội Thánh tư gia phát triển. Sau những thay đổi vào năm 1950, những tín hữu Trung Quốc bắt đầu chia sẻ niềm tin của họ với những bà con và bạn bè. Qua “việc truyền giáo cho người thân” (đó là sự truyền giáo từ người thân này qua người thân khác) một phép lạ kỳ diệu của sự tăng trưởng Hội Thánh bắt đầu xảy ra tại Trung Quốc. Sau 120 năm hoạt động của những giáo sĩ phương tây, có khoảng hai triệu tín hữu tại Trung Quốc vào năm 1952. Hai mươi năm sau (1972), khi Trung Quốc mở cửa trở lại đối với phương tây, có khoảng hai mươi triệu tín hữu. Ngày nay (1990) theo nguồn tin đáng tin cậy thì cộng đồng tín hữu ở Trung Quốc vào khoảng năm mươi đến sáu mươi triệu người. Tại sao số tín hữu phát triển kỳ diệu như vậy? Thoát khỏi tiền bạc của các giáo sĩ phương tây (điều mà đôi khi là ảnh hưởng kiềm chế sự phát triển) và các cách thức của những giáo sĩ phương tây, thích ứng nhanh chóng với những phương thức hài hòa hơn đối với văn hóa của họ. Bởi vì Hội Thánh ở Trung Quốc được vượt khỏi gánh nặng kinh tế của những ngôi giáo đường to lớn, họ có thể đem tiền bạc của họ giúp đỡ những người khác và truyền giảng Tin Lành. Sự ưu tiên đã trở thành “truyền giảng sứ điệp” - không “sản xuất những vữa hồ” (xây dựng nhiều giáo đường).

3. Truyền giảng sứ điệp

Không một chữ nào trong Tân ước bảo xây dựng những ngôi nhà thờ bằng vật chất cả (Cựu ước cũng không). Tuy nhiên đó lại là sự ưu tiên hàng đầu của các Hội Thánh và các tổ chức tây phương. Nhưng các Hội Thánh ở Trung Quốc có đường lối tốt hơn. Sự nhấn mạnh trong Kinh Thánh trong Tân ước là “giảng đạo”. ”Về phần các môn đồ thì đi ra giảng đạo khắp mọi nơi, Chúa cùng làm với môn đồ, và lấy các phép lạ cặp theo lời giảng mà làm cho vững đạo” (Mác 16:20). “Thật vậy tôi không hổ thẹn về Tin Lành (sứ điệp) đâu vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rôma 1:16). “Nhưng tôi lấy làm vinh mà rao truyền Tin Lành ở nơi nào danh Đấng Christ chưa được truyền ra... chúng tôi giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự... Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời” (Rôma 15:20; I Côrinhtô 1:23,24). Những ngôi giáo đường tráng lệ không thể khiến tôi nhận được sự cứu rỗi. Chỉ có quyền năng của Đức Chúa Trời mới có thể cứu kẻ bị hư mất. Những nghi thức tôn giáo không thể đem một người nào đến với Chúa sự sống, là đấng đã chiến thắng sự chết địa ngục và âm phủ. Nhưng rao giảng Tin Lành thì sẽ cứu rỗi được tội nhân. PhaoLô viết: ”...Bởi quyền phép của dấu kỳ phép lạ, bởi quyền phép của Đức Thánh Linh Đức Chúa Trời... tôi đã đem đạo Tin Lành của Đấng Christ đi khắp chốn” (Rôma 15:19). Tôi muốn thêm điều này: Tin Lành sẽ không được đem ra khắp chốn trừ khi được cặp theo những dấu kỳ phép lạ của Đức Chúa Trời.

4. Những nghĩa trang thuộc linh

Nhiều năm về trước, tôi có đi vào một ngôi thánh đường to lớn ở Úc. Ngôi Thánh đường có trên 2500 chỗ ngồi, những ban đồng ca nam hát những âm điệu nhịp nhàng, hệ thống âm thanh hoàn hảo, vị mục sư với học vị cao có thể đọc thuộc lòng những bài giảng và những bài cầu nguyện. Nhìn chung, mọi việc đều chu đáo. Chỉ có một sự rắc rối - họ có đủ mọi thứ nhưng không có người. Đây là thành phố của hơn năm triệu dân. Tôi đã dự truyền giảng vào một đêm thứ tư tại ngôi Thánh Đường đó. Các ban hợp ca hát, người đánh đàn, vị Mục sư đọc những bài cầu nguyện và bài giảng. Tất cả mọi việc đều diễn ra như vậy trong một giờ rưỡi. Bên cạnh tôi chỉ có hai người trong ngôi nhà thờ, đó là hai người phụ nữ đã lớn tuổi. Cả ba chúng tôi ngồi nghe những nghi thức của một tôn giáo chết đang làm đại diện cho Đấng Christ. Ngôi Thánh đường tọa lạc trên một vùng đất hàng triệu đô la. Có lẽ tốt hơn nên bán khu đất này, đóng cửa ngôi nghĩa trang thuộc linh này và chôn sự lăng nhục này trong sự phục sinh của Đấng Christ hằng sống, là Đấng có ánh mắt như ngọn lửa hừng bàn chân Ngài chiếu ra những tia lửa sáng chói, Đấng nắm giữ mọi quyền phép trên trời và dưới đất, và là đấng đã phán rằng sẽ nhả những Hội Thánh nào truyền Tin Lành hâm hẩm. Cũng ở Hội Thánh đó, một Mục sư đã được cứu và được đổ đầy Đức Thánh Linh. Ông bắt đầu hướng dẫn những buổi chữa bịnh và hàng trăm người tham gia buổi cầu nguyện chữa bịnh vào tối thứ ba của ông. Nguyên tắc của Hội Thánh này đã không chấp nhận những buổi cầu nguyện như vậy trong nhà thờ. Ông bị từ chối không cho tổ chức tại nhà thờ này, nên phải tổ chức nhóm trong một hội trường rất nhỏ, không đủ nơi ăn ở cho những người bịnh và những người tàn tật đến để tiếp nhận sự cứu rỗi và sự chữa lành.

5. Sắp đặt lại thứ tự ưu tiên của những nguồn tài nguyên

Hỡi các vị lãnh đạo Hội Thánh - Hãy tin tôi. Sự say đắm những ngôi đền thờ to lớn ở các Hội Thánh phương tây là sự say đắm bất khiết trước mặt Đức Chúa Trời. Khi họ xây dựng những ngôi đền thờ tráng lệ bằng tiền để rao giảng Tin Lành, họ đã xúc phạm đến Đức Chúa Trời là Đấng đã ủy thác cho chúng ta gần hai ngàn năm trước đây rằng: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người” (Mác 16:15). Nếu chúng ta không đặt công cuộc truyền giảng Tin Lành lên hàng đầu, thì mọi việc chúng ta làm chỉ là “gỗ, cỏ khô, rơm rạ” (I Côrinhtô 3:12). Hai tỉ người vẫn đang chờ nghe Tin Lành! Đức Chúa Trời phán rằng; “Nhưng ta sẽ đòi huyết nó nơi tay ngươi” (Êxêchiên 3:20). Sau khi đem Tin Lành đến khắp mọi nơi trên Đế Quốc La Mã, PhaoLô đã có thể nói rằng: “Tôi tinh sạch về huyết của anh em hết thảy” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:26). Còn chúng ta tôi nghĩ rằng không. Chúng ta phải đặt lại thứ tự ưu tiên các nguồn tài nguyên của chúng ta để làm những gì Đức Chúa Trời phán bảo qua Kinh Thánh, và những gì Ngài phán bảo chúng ta bởi Thánh Linh Ngài. Tôi không chống lại những ngôi giáo đường giản dị, dùng trong những nhu cầu cần thiết. Nhưng tôi chống lại những tài nguyên được đầu tư cho những ý đồ cá nhân để xây dựng những công trình tráng lệ mà lẽ ra nó phải được dùng để giúp đỡ kẻ nghèo và rao giảng Tin Lành.

E. KẾT LUẬN

Người Phi châu có kể chuyện một con chuột kết bạn với một con voi. Con chuột luôn luôn ngồi trên lưng con voi, ngay sau lỗ tai phải. Ở đây nó có thể nói chuyện thoải mái với anh bạn voi của mình. Một ngày kia chúng đi qua một cây cầu. Cây cầu có vẻ chắc chắn, vì vậy chú voi mạnh dạn đi qua. Khi đã đến bên kia cầu, con chuột nói với con voi rằng: “Ồ! chúng ta đã làm rung cây cầu lên phải không?” Bạn và tôi cũng giống như con chuột đó. Chúng ta được gắn chặt với một Đức Chúa Trời quyền năng. Tự mình - Giống như con chuột - Chúng ta không thể làm gì được. Nhưng cùng làm việc với Đức Chúa Trời, lắng nghe và vâng theo tiếng Ngài, chúng ta có thể giày đạp quỉ Satan, giải phóng những kẻ nô lệ cho tội lỗi, bệnh tật và nghèo khổ (Rôma 16:20).

Hãy nhớ rằng:

1 Những kiến thức trong học viện Chỉ ích lợi trong một vài lãnh vực, nó không thể sản sinh ra quyền năng cứu rỗi, chữa bịnh của Đức Chúa Trời, nó cũng không cần cho những người lãnh đạo trong Hội Thánh ngày nay. Hãy nhớ rằng hầu hết những môn đồ của Chúa Jesus được mô tả là “người dốt nát không học, nhưng đã từng ở với Chúa Jesus” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13). Vậy, hãy để nhiều thì giờ ở với Chúa Jesus bằng sự cầu nguyện và kiêng ăn. Rồi xem điều gì sẽ xảy ra.
2 Lời Rhema của Đức Chúa Trời và kế hoạch của Ngài là độc đáo... Mọi cá nhân, tổ chức, kiểu mẫu, phương pháp, công thức và truyền thống - nếu không ở trong sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh - sẽ là những trở ngại lớn cho chúng ta trong việc nghe tiếng Chúa và vâng theo Ngài.
3 Kế hoạch của Đức Chúa Trời cho đời sống bạn tốt hơn những kế hoạch của chính bạn Hãy trông cậy Đức Giê-hô-va trong sự cầu nguyện cho đến khi bạn thông hiểu rõ ràng về kế hoạch của Đức Chúa Trời.
Chúng ta hãy cầu nguyện Lạy chúa Jesus, con muốn nghe tiếng Ngài. Xin hãy ban đức tin cho con khi con nghe tiếng Ngài. Con xin dâng trọn đời sống con, Hội Thánh của con chức vụ của con cho Ngài. Xin hãy hướng dẫn con bởi lời (Rhema) và lẽ thật (Logos) của Ngài. AMEN.
Bây giờ hãy yên lặng lắng nghe! Ngài đang phán với bạn điều gì? Bạn hãy xin Ngài phán với bạn. Hãy ngừng lại và lắng nghe trong một hoặc hai phút. Mari, mẹ của Chúa Jesus, đã nói với các người hầu bàn điều mà ngày nay chúng ta cũng phải vâng theo: “Người biểu chi, hãy vâng theo cả” (Giăng 2:5).

 

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 131 Quốc Gia

We have 7191 guests and no members online

Your Language